Cả tuần qua tôi theo dõi các trận đấu hấp dẫn của giải quần vợt ATP 1000 Indian Wells. Các trận đấu hay, nhưng tôi chú ý tới 2 điều khác nữa: kỳ đài chính của giải, năm nay có treo thêm một lá cờ lớn, cờ Ukraina đối xứng với cờ Mỹ, nước chủ nhà. Và trận đấu nào có xuất hiện đối tượng khán giả nhốn nháo, ồn ào đứng tràn kín các lối ra vào: các khán giả nhí Hoa Kỳ ôm những trái banh nỉ rất to, chờ các thần tượng đấu xong thì xin chữ ký. Ngắm chúng, hạnh phúc, sang trọng, hồn nhiên, tôi không khỏi chạnh lòng nghĩ tới những đứa trẻ Ukraina đang đói lạnh, bị thương đau đớn, mồ côi, cụt tay, mất chân dưới đạn bom bảo lửa.
Bà Inger Ashing, tổng giám đốc tổ chức Save The Children lo lắng cho tình trạng suy sụp tinh thần của trẻ tỵ nạn: « Một số em nói rằng chúng sợ hãi đến cả một tiếng động nhỏ nhất. Lúc nào chúng cũng bị khiếp hãi, cảm thấy khó thở. Những đứa trẻ này đã chứng kiến trường học của chúng bị phá hủy. Các cuộc dội bom đã tàn phá hơn 460 trường học ở Ukraina, trong đó có 60 trường bị biến thành đống đổ nát. »
Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, cứ 5 đứa trẻ thì có một em phải bỏ trốn khỏi mảnh đất quê hương. « Một số em bị chia cắt khỏi cha mẹ, phải đi tị nạn một mình và đối mặt với nhiều rủi ro cao như nạn lạm dụng, buôn người và khai thác trẻ em », theo như quan sát của bà Inger Ashing.
Những đôi mắt trẻ thơ Ukraina nạn nhân cuộc chiến tranh tàn khốc cứ như đang xoáy vào lòng ta, làm ta bối rối, mềm lòng rơi lệ. Và còn nữa, những giọt nước mặt khô cạn của người già rơi trên đôi má nhăn nheo, cũng kéo ta chìm xuống chín tầng địa ngục khổ đau…
Hầu như ngày nào tôi cũng đọc được những câu chuyện mới, đau lòng, rất khác nhau, chỉ giống nhau ở chỗ làm ta muốn chảy nước mắt.
Đây là ảnh một bé gái 9 tuổi, em tên là Sasha. Gia đình em chạy trốn khỏi thành phố Hostomel phía tây Kyiv, trên một chiếc xe hơi, và quân Nga đã nổ súng vào xe, giết chết cha em, mẹ em và hai đứa con nhảy xuống xe bỏ trốn, quân Nga tiếp tục bắn theo và em bị trúng đạn ở tay. Sau hai ngày bất tỉnh các bác sĩ đã phải cắt cánh tay của em. Trên giường bệnh, Sasha nói: “Cháu không biết tại sao người Nga lại bắn cháu. Cháu hy vọng đó là một tai nạn và họ không cố ý làm tổn thương cháu. May mắn là mẹ và chị gái của cháu vẫn còn sống”.
Hôm qua, tôi được xem một đoạn clip các học sinh mẫu giáo một trường ở Tây Ban Nha ồn ào đón mừng một người bạn mới, một em bé Ukraina tỵ nạn vừa đến , bắt đầu được đi học lại. Bà giáo âu yếm, điềm tĩnh vuốt đầu em, nhưng các bạn thì chen chúc xúm xít chung quanh em và “luân phiên” ôm em như người bạn thiết đi xa lâu ngày mới gặp lại.
Không kềm nỗi xúc động là khi tôi nghe một cô bé người Ý, mới 9 tuổi, mặt đầm đìa nước mắt, hát trong nghẹn ngào bài hát ngắn do em sáng tác: “Tôi vẽ cuộc đời tôi”. Lời bài hát thật buồn. “Trẻ em chẳng vui chơi mà chay trốn chiến tranh. Ai biết khi nào nó mới chấm dứt? Trẻ em không được đi học mà rời nhà đi theo cha mẹ. Thật độc ác…Khi thế giới đầy bạo lực thì trẻ em chẳng có tương lai. Mọi giấc mơ tan biến, nỗi sợ hãi sẽ chiếm lấy bạn. Ôi, tôi vẽ cuộc đời tôi…”. Em tạm nín khóc sau bài hát và nói : ”Lẽ ra trẻ em không phải khổ vì những quyết định của người lớn. Đâu có hay ho gì khi trẻ chịu đựng nhiều ngày đêm dưới hầm, có em bé mới sinh ra dưới hầm. Các chú, các bác nghĩ đó là điều bình thường ư? Không. Cháu rất lo cho họ hàng và ông nội cháu vẫn còn ở lại Ukraina. Ông nội cháu đang ở trong quân đội. Bà nội cháu khóc mỗi ngày khi gọi điện cho ông…”. Đoạn video này hiện có hàng triệu người like và nhiều người share…
Những nạn nhân là người già thì thường không nói gì hết. Họ như đang chìm vào thinh không. Im lặng. Một hôm, tôi tình cờ đọc được chỉ một câu trong nhật ký của người chiến binh bắn tỉa nổi tiếng nhất thế giới, viết rất ngắn về một ông già : “Đất nước này đang rơi vào những ngày tận thế thực sự, ôi, những người dân nghèo ở đây …Máy trực thăng bay dọc các con đường đất nước như ác thú săn mồi. Tôi gặp một ông già: Ông ấy bắt tay tôi, không nói một lời, chỉ có nước mắt của ông ấy.”
Qua nhiều câu chuyện tôi mới biết, người Ukraina có một văn hóa là con cái thường phụng dưỡng ông bà, cha mẹ và họ cùng sống dưới một mái nhà. Vì thế, nhiều gia đình, khi phải đi tỵ nạn mà người già không đủ sức đi đường xa gian khổ thì đã có những đứa con 30, 40 tuổi, khi đến nơi tỵ nạn, lại dám gửi các con nhỏ của mình cho người bà con hay hàng xóm để quay trở lại nhà cũ.
Cuộc chiến tranh nào thì khổ nhất vẫn là trẻ con và người già. Một đêm, tôi bật video, nghe tiếng đạn bom rúng động trong ánh chớp sáng lòa chung quanh Kiev, tai tôi chợt vang lên thật nhẹ và buồn giọng hát thấm đẫm đau thương của ca sĩ Xuân An, bài Người già em bé của Trịnh Công Sơn…”Ghế đá công viên, dời ra đường phố . Người già co ro, buồn trong mắt đỏ . Người già co ro, buồn nghe tiếng nổ . Em bé loã lồ, khóc tuổi thơ đi …”
Trong một stt viết trước đây về những người tỵ nạn Ukraina ra đi được một hai tuần đã lại kéo nhau về, tôi có viết về trường hợp bà Ira, từ giả con gái và hai cháu ngoại ở Ba Lan để quay lại Khackov để chăm sóc người anh trai bệnh nặng không thể cùng đi.
Là con người, như mọi con người không hoang tưởng hay máu lạnh, ai không yêu trẻ con. Bởi ai mà không nghĩ đến con mình, cháu mình, và mong cho chúng được sống an lành. Nên ai mà không đau lòng, ám ảnh tình cảnh trẻ con Ukraina bị tàn sát tỉnh tuồng không chút đắn đo.
Liệu kẻ chủ trò cuộc thảm sát đó có nhìn thấy những chiếc xe nôi để ở những bến cuối dọc theo đường rầy xe lửa từ Ukraina sang Ba Lan, dành sẵn cho những bà mẹ tha hương có xe đẩy mà dùng ngay; hay những chiếc cầu rải đầy đồ chơi dành cho những đứa trẻ mất nhà, xa cha, bao ngày mệt nhoài trên đường.
Tình yêu là vũ khí mạnh nhất trên đời. Chúa đã dạy, Phật đã dạy. Tất cả các vị hiền nhân của các tôn giáo đều dạy như thế. Nhưng có kẻ máu lạnh nghĩ rằng chỉ có các loại đạn bom, càng hiện đại, càng sát thương nhanh, nhiều, là mạnh nhất. Nó thống trị hết !?!
Có một người đàn ông-từng sản xuất và đóng phim-trung niên, đang gây xôn xao và khâm phục khắp các nghị viện những nước lớn trên khắp thế giới. Khi muốn nhấn mạnh về sự chân thành, trung thực, ông nói, tôi là cha của hai đứa trẻ, và khi nói về chuyện treo hình lãnh tụ trong nhà ông nói, đừng treo hình tổng thống ở nhà hay tại văn phòng, thay vào đó, hãy treo hình con của bạn và mỗi ngày hãy nhìn vào đôi mắt chúng.
Dù lòng tăm tối tới đâu,độc địa thâm hiểm tới đâu, khi nhìn vào những đôi mắt trẻ con, trong như ngọc, sáng như sao là mỗi người đối diện điều hay lẽ phải, tự gột rửa những ý định, những âm mưu mà chỉ có lương tâm chính mình mới biết. Nhưng những kẻ vô cớ đem quân đi xâm lược nước khác, dẫn giải quyền…tự bảo vệ để giết đàn bà trẻ con, người già, chúng có con không, chúng dám nhìn vào mắt con trẻ không???








Trả lời