TƯƠNG ỚT SIRACHA VÀ NGÀY TẬN THẾ VÌ HẠN HÁN.

Sáng nay tôi thử vào ăn phở gà ở tiệm nhỏ gần nhà, nghe nói của hai người đẹp Phố Cổ Hà Nội vừa mở. Cô gái mặc bộ váy thanh nhã tuyền đen nhẹ nhàng giới thiệu, dạ tương ớt và dấm tỏi do em tự làm, toàn món đặc sản hand made ạ. Ông khách đang ăn không ngước lên nhìn cô, nhắc khẽ, thế thì từ ngày mai thay nước chấm công nghiệp này bằng nước mắm mới đủ bộ em nhé. Cô gái hơi ngượng, vầng, vầng…
TỪ TƯƠNG ỚT TỰ LÀM ĐẾN SIRACHA
Tôi xí xóa vụ nước mắm giả, “tập trung chuyên môn” vào món tương ớt cô tự làm, tương thắm màu, khá ngon và cô chủ biết marketing (dù hơi xui bị ông khách ít ga lăng bóc mẻ). Nhưng tôi kịp nghĩ lại, có lẽ tôi chú ý tương ớt còn vì một tin vắn tôi vừa đọc: Tương ớt Sriracha bị đứt hàng khan hiếm nên tăng giá mạnh.
Chuyên này không mới, từ cuối Tháng Tư tôi đã đọc tin là Huy Phong foods đã phải viết email cho các chủ tiệm phở Việt ở Mỹ rằng họ sẽ phải ngừng sản xuất tương ớt cay này trong vài tháng tới do “điều kiện thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến chất lượng của ớt.” Quả thực, sau đó, các tiệm tạp hóa khan hàng . Ông Michael Csau, đồng sở hữu nhà hàng Phở Việt ở Washington D.C. than : “Thường thì tôi mua một két Sriracha chỉ khoảng $30 đến $32. Bây giờ nó vọt lên tới $50”.
Theo Guillermo Murray Tortarolo, người nghiên cứu khí hậu và hệ sinh thái, thuộc National Autonomous University, việc khan hiếm Sriracha là do vụ thu hoạch ớt thất bại ở miền Bắc Mexico – nơi cung cấp ớt chính để sản xuất tương ớt Sriracha. Đó là một loại ớt rất đặc biệt chỉ mọc ở miền Nam Hoa Kỳ và miền Bắc Mexico và chỉ trồng được trong bốn tháng đầu năm với điều kiện có kiểm soát, đặc biệt là phải tưới liên tục.”
Thủ phạm đây: mấy tháng từ đầu năm đến nay, toàn bộ khu vực Tây Nam Hoa Kỳ và Bắc Mexico đang phải hứng chịu một “trận siêu hạn hán” liên quan đến biến đổi khí hậu. Nhà khí hậu thủy văn của UCLA, Park Williams đứng dầu nhóm nghiên cứu về siêu hạn hán cho biết: “Chưa thể nói biến đổi khí hậu gây ra hạn hán nhưng chắc chắn nó làm cho khí hậu tồi tệ hơn và có khoảng 40% vụ hạn hán là từ nạn biến đổi khí hậu do con người gây ra”. Vậy là NHÂN TAI chứ không hẵn là THIÊN TAI?
CUỘC CHIẾN SINH TỒN CỦA MỘT ÔNG LÃO VÀ CON CHÓ GIỮA ĐẠI HẠN
Dự tưởng về thảm họa từ hạn hán khốc liệt do biến đổi khí hậu lại khiến tôi liên tưởng đến với cuốn tiểu thuyết ngắn ‘Ngày tháng năm” của Diêm Liên Hoa, một nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc mà sáng nay, bạn Nguyễn Mỹ Khanh có điểm.
Sách viết về một cơn đại hạn ngàn năm có một đã thiêu đốt tất cả. Có một ông lão gầy gò 72 tuổi chọn cách ở lại, vì phát hiện có một hạt ngô đã nảy mầm bất chấp khô hạn. Ông quyết chăm sóc mầm ngô này cùng con chó mù trung thành của ông trong cuộc chiến sinh tồn cam go nhất. Ông lão và con chó phải đào bới, tìm lượm từng hạt bắp giống không nảy mầm được từ mùa gieo hạt trước để sống qua ngày, để đủ sức mà gánh nước tưới cho cây bắp.
Đàn chuột đói đông đến cả ngàn con cũng săn lùng, tranh cướp lương thực và chực chờ cắn nát cây bắp. Ông lão cướp kho hạt bắp trong hang chuột, đàn chuột không chịu thua, cướp lại túi bắp treo trên cao của ông lão. Ông lão bắt chuột để ăn. Nhưng thiếu nước thì chuột cũng không còn. Cái giếng cạn chồng chất xác chuột chết đã thối rữa. Ông lão vục gàu xuống, chỉ múc được xác chuột…
Ông lão sai chó mù ở nhà canh giữ cây bắp hiếm hoi, một mình đi tìm nước. Đói. Khát. Lê lết. Kiệt sức. Tuyệt vọng. Khi thấy một vũng nước thì cũng thấy cả đàn sói đói khát cũng đang bao quanh vũng nước. Người và sói thi nhau canh “đối thủ”. Cuối cùng sói phải thua sự kiên nhẫn của người. Chúng bỏ đi. Ông lão gánh được nước về…
Chuột chết và bỏ đi hết, thức ăn của ông lão và chó mù thế là hết hẵn. Đến nước luộc thịt con chuột cuối cùng, ông để lại cho chó mù lại vẫn còn nguyên vì chó…nhường cho ông.
Cây bắp khó nhọc lớn lên từng ngày, ra hoa, kết trái, đơm hạt… Ông lão mừng vì nó đơm hạt thì một mai dân làng sẽ trở về. Rồi quá suy kiệt về hết lương thực, hết nước, ông lão tự đào huyệt cho mình bên cạnh cây bắp và nằm xuống…
Dân làng trở về. Giữa hoang địa, họ thấy chỉ có một cây bắp duy nhất đang treo một quả duy nhất. Rễ bắp bám hút vào thân xác khô quắt của ông lão để sống. Có bảy hạt bắp tròn trịa giữa những hàng hạt lép. Thế là bảy chàng trai làng ở lại trồng được bảy cây bắp non xanh mướt, và sự sống lại bắt đầu…
Tiểu thuyết “Ngày tháng năm “ của Diêm Lien Khoa bày tỏ sự hối hận và dày vò sâu sắc của con người khi – cả cố ý lẫn vô tình- đã tàn phá cùng kiệt thiên nhiên rồi giờ lại phải tìm mầm sống trong tuyệt vọng: bảo vệ từng mầm xanh, từng chồi non tự nhiên bằng mọi cách để cho cây được sống. Cố gắng sống sót của ông lão với con chó, cây bắp, thực chất là độc thoại nội tâm – có khi là của chính chúng ta- cho thấy sự thức tỉnh dần dần của con người trước những nghịch cảnh mà thiên nhiên giáng xuống cho loài người: từ căm phẫn, tức giận, chuyển sang chấp nhận, rồi cuối cùng là hy sinh để giành quyền sống sót lại cho tự nhiên và chính mình.
Cuối cùng cây bắp sống sót bằng cách bám hút vào thân xác của ông lão và con chó, rễ cây đan lồng vào xương cốt của ông lão như một ẩn dụ cho mối quan hệ bền chặt không tách rời giữa con người và tự nhiên. Nguy cơ rất gần là thế giới diệt vong nếu chúng ta không biết quý trọng và chung sống với tự nhiên. Đây chính là lời tiên tri sáng suốt nhất nếu con người cứ tiếp tục tìm cách tận diệt tự nhiên. Và lúc đó, cho dù có hối hận thì cũng đã muộn màng.
PS. “Ngày Tháng Năm” được trung tâm giáo dục quốc gia Pháp giới thiệu vào mục lục sách học sinh trung học cần đọc. Tác phẩm cũng đoạt giải thưởng văn học Lỗ Tấn dành cho truyện vừa toàn quốc lần thứ 2 vào năm 1997.

Ông David Trần, ông chủ Huy Fong foods, cũng là người sáng tạo món tương ớt (ảnh bên cạnh) này bán rất chạy ở Mỹ
Bìa cuốn tiêu thuyết “Ngày tháng năm” của Diêm Liên Khoa
Chân dung nhà văn Diêm Liên Khoa (ông tâm sự là thường viết mỗi tác phẩm thành 2 bản, một bản in tại đại lục và một bản in…ở nước ngoài,)
Còn đây là bức ảnh mình vừa chụp ở bếp nhà. Chị bếp nhà mình không biết “tha” về từ hồi nào món găng tay PHÂN HỦY SINH HỌC này, thật tiến bộ theo xu hướng bao bì tự hủy để bảo vệ môi trường đó chứ.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: