NGƯỜI VIỆT ĐẦU TIÊN XUẤT KHẨU DRONE ĐI MỸ

Trưa thứ sáu, tôi được một nhà báo trẻ gửi cho tờ Đầu tư và dặn, cô mở ra sẽ thấy có cái hay, hi vọng cô tìm thấy điều cô đang mong đợi. Gì mà bí hiểm dữ, tôi hồi hộp mở tờ báo. À thì ra, tôi thấy hình của “chàng” đang cười đây, nụ cười rất hiền. Báo Đầu Tư đăng bài với tựa như trên. Tôi mừng, cảm động nhận ra, quả là tim mình có đâp nhanh hơn một chút…
Cách đây 2 tháng, ngày 9/8/2022, tôi có viết stt về Lương Việt Quốc và êkip kỹ sư trẻ của anh đã cho ra đời drone HERA làm dậy sóng giới công nghệ làm drone của Mỹ.
Sau đợt xuất những chiếc HERA đầu tiên cho một đại học Hoa Kỳ, nay anh vừa nhận được hợp đồng lớn hơn của một công ty phân phối drone chuyên nghiệp cũng từ Hoa Kỳ.
NGƯỜI TRUYỀN CẢM HỨNG VỀ “MÁY BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI”.
“Hồi ấy, động lực duy nhất khiến tôi không bỏ học dù cực đến đâu là xuất phát từ bà nội, chứ chẳng phải giấc mơ xa xôi nào. Nội luôn dặn tôi, “Con phải ráng học, nhà mình nghèo quá, ráng học mới thay đổi được cuộc đời”, anh Quốc tâm sự.
Có lẽ trong các bạn, có người đã đọc “tiểu sử” đặc biệt của Quốc trên báo Tuổi Trẻ. Tuổi thơ của anh cũng khá…dữ dội. Đi bán chanh, ớt lẻ, rồi đi vớt trùn kiếm sống dọc kênh Nhiêu Lộc. Anh cắn răng bao năm tháng nghèo khó, để rồi đậu vào chương trình sau đại học của ĐH Fulbright (Hoa Kỳ). Sau Thạc sĩ, Quốc nhận được lời hứa cấp học bổng Tiến sĩ ở 8 đại học danh giá của Hoa Kỳ và anh chọn rồi làm xong Tiến Sĩ ở Berkeley.
Ra trường, nhận thấy drone trở thành xu hướng phát triển chung trên thế giới, sẽ được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp, bảo vệ môi trường, vận chuyển hàng khẩn cấp, báo chí, phim ảnh, năm 2014, Lương Việt Quốc đã thành lập start-up là RtRobotics chuyên về drone tại San Francisco (Mỹ) rồi 2017, về Việt Nam mở CT và là DN đầu tiên được cấp phép SX drone tại Khu Công nghệ cao TPHCM.
GẶP NGƯỜI TRÊN BÁO ĐẦU TƯ. NHỮNG THÔNG TIN VUI.
Sau khi đọc bài báo đăng trên Đầu tư, tôi gọi cho Quốc cập nhật thông tin. Giọng Quốc rất vui. Tháng rồi, RtR hoàn tất hợp đồng đầu tiên xuất khẩu 3 chiếc HERA cho đối tác là đại học Michigan ở thị trường Mỹ, là nơi công nghệ cạnh tranh khốc liệt nhất và khắt khe nhất với nhiều tiêu chuẩn về an ninh thông tin, khả năng mang tải, số lượng cảm biến. Ngay sau đó, CT vừa ký được hợp đồng với một nhà phân phối lớn drone ở Mỹ và Canada, công ty RMUS đó chị. Họ là nhà phân phối chuyên nghiệp, tức bán đủ loại drone các nước. Nên khi họ chọn mình, là đã thẩm định kỹ từ kỹ thuật đến công nghệ, đến giá cả cạnh tranh. Tôi hỏi phải chăng những đơn đặt hàng là từ các chuyến đi triển lãm của RtR ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Canada…? Quốc xác nhận, những chuyến đi giúp anh học được nhiều từ công nghiệp drone các nước và cũng tự tin hơn. (Anh vui vẻ cho biết đang chuẩn bị đi HC tech ở Dubai…)
Công ty RMUS cho biết họ mua Hera để phân phối cho 2 thị trường: (1) Dầu khí, sẽ dùng phát hiện, dò tìm rò rỉ khí ga do Hera có OGI camera và (2) An toàn nơi công cộng, do Hera có mang cùng lúc camera màu và camera nhiệt, hệ thống thả vật dụng cứu hộ và có loa công suất lớn. Hera cũng được mua để huấn luyện các lực lượng thực thi pháp luật ở California và Texas.
“Giá của HERA hiện tại là 25.000 – 30.000 USD/chiếc, cao hơn 20 – 30% so với thị trường, nhưng lại có được sự nhỏ gọn (bỏ vừa gọn ba lô đeo vai) cùng khả năng mang tải độc đáo. Vì thế, khách hàng ở Mỹ sẵn sàng trả giá cao hơn để có được sự ưu việt này”, CEO Lương Việt Quốc phấn khởi nói.
Còn công việc hiện tại ? RtR sản xuất từ vài trăm đến 1.000 drone/năm. Công ty đang rốt ráo hoàn thành thủ tục xây nhà xưởng trong Khu công nghệ cao TP.HCM vào cuối năm nay. Với nhà xưởng mới, Công ty sẽ tăng công suất sản xuất gấp 10 – 20 lần hiện nay. Dự kiến năm 2023, khi cơ sở sản xuất và các thị trường dần vào guồng, lợi nhuận của RtR sẽ đạt ít nhất 10 triệu USD và tăng trưởng ít nhất 50%/năm. Sau thị trường Mỹ, RtR sẽ mở rộng sang nhiều thị trường quốc tế khác như châu Âu, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Ấn Độ.
HERA DO NGƯỜI VIỆT LÀM TOÀN BỘ, TỪ SÁNG TẠO, THIẾT KẾ, CHẾ TẠO, SẢN XUẤT TỚI THƯƠNG MẠI HÓA.
Nhiều trang web chuyên nghiệp về drone của Hoa Kỳ đã khẳng định Hera đạt chuẩn NDAA của chính phủ Mỹ và có nhiều tính năng phải nói là vượt hẵn: (1). Nhỏ gọn và cơ động nhất; (2). Sức nâng tối đa lớn nhất (gấp 10 lần so với máy bay cùng cỡ); (3). Số lượng thiết bị có thể gắn cùng lúc nhiều nhất (gấp 4 lần); (4). Tầm quan sát của thiết bị tốt nhất; (5). Càng đáp giấu kín tối ưu; (6). Khả năng xử lý dữ liệu mạnh nhất; và (7). Đạt chuẩn an toàn dữ liệu của chính phủ Mỹ.
Tôi đã đến thăm xưởng của Quốc ở Thủ Đức khoảng tháng 5/2021, tôi ngạc nhiên thấy Quốc và êkip kỹ sư của anh cùng trẻ, trông như anh em, chứ không phải thầy trò. Đáng mừng là từ một nhóm nhỏ và một căn phòng hẹp tại ĐH Bách Khoa TPHCM, nay RtR có 50 kỹ sư mà 80% đến từ Đại học Bách Khoa TPHCM và 20% còn lại là từ trường Sư phạm kỹ thuật TPHCM. Nhìn họ thảo luận sôi nổi với nhau hay chăm chú thao tác trên máy, tôi vừa phục vừa yêu quá.
SAU HERA, CÔNG TY RtR ĐANG ĐI TIẾP…
Không chỉ với HERA, mà tất cả những sản phẩm khác của RtR đều được nghiên cứu để có thêm những tính năng phục vụ các nhu cầu đặc thù. Ví dụ, đang có gợi ý về việc tìm chỗ hỏng hóc, rò rỉ của đường điện cao thế 500 kV. Thay vì phải cử nhân viên “leo lên giữa chừng trời” dò dẫm xem từng chặng dây điện thì drone có thể bay tự động hoàn toàn, và còn có thể dùng các thuật toán để tìm ra lỗi. Nhất là các dòng drone tối ưu cho nông nghiệp Việt Nam, giúp phát hiện sâu, bệnh, hỗ trợ phun thuốc, bổ sung dinh dưỡng cây trồng. Điều đáng lo là hiện nay, drone ngoại đang bay dịch vụ đầy trời Việt Nam, làm sao giải quyết được vấn đề an ninh thông tin, bảo mật kinh tế, ví dụ về đặc điểm thổ nhưỡng, mùa vụ, các loại giống cây, côn trùng vi sinh vật, các loại bệnh của vật nuôi cây trồng, đặc thù của nông nghiệp Việt? Làm sao ngăn được các drone quốc tế về ý đồ chuyển thông tin về nước họ? Ẩn họa chắc chắn có và rất lâu dài mà chúng ta chỉ nghĩ tới giá mềm, có khi hoa hồng hậu mà ít chú ý tới vấn đề tiên quyết của drone: bảo mật thông tin.

Hình ảnh HERA trên một tạp chí chuyên về drone của Hoa Kỳ
Ông JT, Chủ tịch công ty phân phối drone RMUS của Hoa Kỳ và ông Lương Việt Quốc, CEO công ty RtRobotics
Các kỹ sư trẻ đang miệt mài với HERA
TS Lương Việt Quốc và chiếc drone HERA, bỏ lọt gọn vào một ba lô đeo vai.
Kỹ sư của RtR bay thử HERA tại Hoa Kỳ
Các kỹ sư của RtR làm việc tại xưởng.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: