KINH TẾ VIỆT NAM TRƯỚC NHỮNG BIẾN ĐỘNG CỦA THẾ GIỚI.

Ghi nhận qua một hội thảo (bài dài, nhưng đáng công đọc).

90 phút. 32 slide. Giáo sự Trần văn Thọ vốn có tác phong thong dong, nhẹ nhàng và hiền hòa, vậy mà cứ thủng thẳng, ông “ném” ra một khối thông tin đồ sộ. Tôi “tác nghiệp”, chụp ảnh các slide, ghi chép thêm, về xếp lại theo thứ tự kèm ghi chú từ 8 giờ tối đến…2 giờ khuya, với nhiều lý thú, khám phá và tâm đắc.

Đề tài này là đề tài khó. Nên được bạn quí Phan Thanh Bình rủ, là tôi đi liền. Đại học Quốc tế miền Đông (Bình Dương) tổ chức và người nói là một nhà nghiên cứu có uy tín, giáo sư Trần văn Thọ, giáo sư danh dự của Đại học Waseda Nhật Bản, cố vấn của hai đời Thủ tướng Việt Nam. Phần ghi cẩn thận nhưng khái quát dưới đây chưa được ông đọc lại.

4 TRÀO LƯU MỚI CỦA THẾ GIỚI VÀ TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆT NAM

Đó là: 2 chuỗi, cung ứng và giá trị xác lập theo phân công quốc tế; Cánh mạng công nghiệp và cung cầu lao động; Đại dich và Biến động địa chính trị, địa KT trong đó có cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine.

Tác động của trào lưu mới trên thế giới là đã gây ra đứt gãy 2 chuỗi – chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị dẫn tới mức cầu lao động giảm, nhu cầu lao động có kỹ năng cao và lao động thích ứng với thay đổi kỹ thuật và công nghệ đang tăng. Đại dich gây ra 3 tác động lớn.

Đâu là những tác động đến kinh tế Việt Nam?

Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập rất cao vào nền kinh tế thế giới. Đúng như thế, tỉ lệ của mậu dịch trên GDP lên tới gần 200 %. Vị trí của FDI trong nền kinh tế của chúng ta cũng rất cao, chiếm tới 70% xuất khẩu và 50% sản lượng công nghiệp. Mà tuy hội nhập cao nhưng lại tập trung vào một số ít thị trường và cơ cấu lại thiếu bền vững . Còn lực lượng lao động của chúng ta thì khá đông nhưng mà năng lực thì lại chưa đáp ứng với nhu cầu

ĐỐI SÁCH CỦA VN?

Trước các trào lưu mới đó, Việt Nam cần xây dựng một nền kinh tế vững chắc và tự chủ. Và chiến lược trung hạn là CHÚ TRỌNG HƠN THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC, thực hiện chiến lược “THÂM SÂU CÔNG NGHIỆP HÓA”, tăng cường sản xuất, củng cố các ngành hàng thiết yếu, quan tâm an ninh kinh tế và DÀNH ƯU TIÊN CÁC NGUỒN LỰC CHO ĐÀO TẠO LAO ĐỘNG.

Thâm sâu công nghiệp hóa có nghĩa là gì? Chúng ta cần thay thế tình trạng hiện thời, công nghiệp chủ yếu là gia công (như nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc và Hàn Quốc rồi sản xuất và phần quan trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ) để từ đó chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và giảm phụ thuộc.

Cần định hướng lại dòng chảy của FDI cũng theo hướng lớn đó.

HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP TRONG NƯỚC VÀ DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ

Bên canh, hai yếu tố mà chúng ta cần quan tâm là (1) Hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ có thể tham gia mạnh mẽ vào quá trình thâm sâu công nghiệp hóa, giảm bớt phụ thuộc vào FDI và (2) Khẩn trương tăng cường cung cấp lao động chất lượng cao cho nền kinh tế.

Xem xét cấu trúc các lực lượng của nền kinh tế, chúng ta thấy: ngoài lực lượng lao động trong nông nghiệp thì hiện nay trong công nghiệp dịch vụ, cũng gần 30% đang ở trong khu vực phi chính thức, chiếm độ chừng 19 % GDP (ước tính năm 2019). Lực lượng này gồm các doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ, các hộ cá thể ….nghĩa là thành phần chính của lực lượng này là khu vực phi chính quy. Về mặt kinh tế, khu vực này tượng trưng cho sự chậm tiến, kém năng suất, thu nhập thấp, không có bảo đảm xã hội, muốn cho trở thành nước vượt qua thu nhập trung bình, đi đến thu nhập cao thì cần bắt đầu từ khu vực này.

Về lực lượng SMEs (DN vừa và nhỏ) hiện nay lực lượng này chiếm khoảng 10 % lao động. Sau khi khu vực phi chính thức chuyển sang khu vực chính quy này thì số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ rất lớn, có thể chiếm tới một nửa tổng số lao động.

Chính vì thế, chúng ta phải quan tâm thật sự đến việc thực thi chính sách hỗ trợ phát triển SMEs (các doanh nghiệp vừa và nhỏ) chứ không phải chỉ cứ nói, nhấn mạnh tới nhu cầu chăm lo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ mà chính sách cứ mãi còn trên giấy.

Vì là những doanh nghiệp có quy mô rất nhỏ nên họ gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận với vốn, với đất, với nguồn nhân lực và lại chịu nhiều chi phí hành chánh tiêu cực. Đây là khu vực có năng suất lao động rất thấp vì không đủ quy mô để có thể mua sắm thiết bị và các phương tiện sản xuất hiện đại, họ cũng không có năng lực tiếp cận vốn. Do đó, vấn đề của các SME của Việt Nam là nếu chúng ta muốn thật sự đầu tư cho khu vực này để làm bật lên cả nền kinh tế thì phải cải cách thị trường vốn thì SMEs mới có thể phát triển được.

VẤN ĐỀ CỦA MỌI VẤN ĐỀ: NGUỒN NHÂN LỰC

Một vấn đề lớn mà chúng ta gặp trong suốt quá trình hoạt động và phát triển kinh tế của Việt Nam là vấn đề LAO ĐỘNG. Như chúng ta biết là hiện nay Việt Nam có một lực lượng lao động khoảng 65 triệu người và lực lượng này sẽ tăng lên tới bảy chục triệu trong 15 năm tới.

Trong cả các khu vực công nông và dịch vụ, nếu chúng ta tiến hành chiến lược “thâm sâu công nghiệp hóa” thì rất nên chú trọng tới nông nghiệp trong thời đại mới.

Và cần thiết có một chương trình giáo dục và đào tạo để lực lượng lao động đáp ứng được với nhu cầu mới của lao động trong tình hình hiện nay. Với những trào lưu mới hiện nay thì thực chất, người lao động cần kỹ năng hơn là bằng cấp. Đồng thời họ cần đảm bảo một dạng yêu cầu tối thiểu mà hiện nay thế giới gọi là “kỹ năng tối thiểu về kỹ thuật số” tức là Digital minimum, gồm có khả năng sử dụng tiếng Anh tối thiểu, sử dụng được máy tính và biết truy cập Internet.

Giáo sư Trần văn Thọ có nhắc dến một kết quả nghiên cứu của tổ chức Jica năm 2020 (công bố tháng 5.2022) rằng Việt Nam có tới 61 % người lao động chỉ tốt nghiệp cấp II và 15 % là tốt nghiệp cấp III, chỉ có 24 % có trình độ kỹ thuật về chuyên môn.

Như vậy, đây là một yêu cầu nghiêm trọng để người lao động Việt Nam thích ứng nhu cầu của tình hình mới

Ông cũng đề cập đến chiến lược phát triển dài hạn của Việt Nam. Về dài hạn Việt Nam cần thiết kết hợp nông, ngư với công nghiệp, kinh tế số và một số ngành dịch vụ. Cần giữ vững lợi thế về tài nguyên nông, ngư nghiệp (được tận dụng theo hướng hiện đại hóa) để vừa bảo đảm an ninh lương thực cho chừng 110 triệu dân năm 2045, đồng thời xây dựng thành những ngành hàng xuất khẩu để cung cấp thực phẩm chất lượng cao cho thế giới. Ông cũng nói về vấn đề đô thị hóa, xanh hóa không gian đô thị và thay đổi giao thông theo hướng mới.

Ngoài ra, cần chú trọng phát triển nông nghiệp kết hợp với công nghiệp về thực phẩm, đồng thời xây dựng hạ tầng kinh tế và văn hóa để nông thôn có thể giữ lại được một lực lượng lao động và dân số nhất định.

ĐỔI MỚI SÁNG TẠO (INNOVATION)

Với Đổi mới sáng tạo (ĐMST), trước kia, người ta chỉ nói đến Process innovation và Product innovation. Nay, từ cuối thế kỷ 20 thì nhấn mạnh thêm hai nôi dung mới: marketing innovation (Tiếp thị Đổi mới sáng tạo) và management/organization innovation (Quản lý/tổ chức ĐMST). Và nội dung thứ tư là quan trọng nhất: tổ chức quản lý đổi mới công nghệ là có tính quyết định.

Về đầu tư và Đổi mới sáng tạo thì theo GS Thọ, có những vấn đề trước mắt (như khu vực phi chính thức rất lớn) và quyết tâm thay đổi thì hiệu quả nhanh hơn và tạo tiền đề để những nỗ lực về khoa học, công nghệ, sáng tạo co điều kiện thực hiện.

Còn về Mô hình tăng trưởng, trước đây vốn dựa trên đầu tư thì nay, nếu đi liền với cải tiến công nghệ thì vẫn có tác dụng tích cực (chủ thể đầu tư là DN phải có qui mô lớn nhất định).

Tóm lại, trước trào lưu mới của thế giới, VN cần xây dựng nền kinh tế vững mạnh và tự chủ: Thâm sâu công nghiệp hóa, xây dựng nền Công nghiệp thực phẩm chủ lực và chú trọng khu vực y tế. Thứ hai là phát triển doanh nghiệp trong nước để giảm tỷ lệ tùy thuộc vào FDI.

Mũi đột phá là khu vực phi chính quy và SMEs.

Đó cũng là tiền đề để ĐMST.

Với Việt Nam, một nội dung quan trọng và cơ bản của ĐMST là vấn đề tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và chất lượng của quan chức các cấp.

Cuối cùng mà quan trọng nhất là cần tập trung đào tạo lao động có chất lượng cao phù hợp với nhu cầu sắp tới, nhấn mạnh năng lực tự học và khả năng tái đào tạo, tái bồi dưỡng kỹ năng (reskilling)/

Nhận huân chương Thụy Bảo của Nhật Hoàng

Người đứng trong ảnh là TS Ngô Minh Đức, hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế miền Đông, 40 tuổi.

Hội trường khi GS TRần văn Thọ diễn thuyết

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: