Hôm qua con trai hỏi, giữa tháng 12, con có đi Đà Năng tắm biển với bạn mấy ngày, “bà cụ” dừng việc đi Đà Nẵng mấy ngày được không? …Tôi nghĩ, Ừ, Đà Nẵng, mình cũng có một điểm hẹn và một lời hẹn ở đó.
Tháng trước, Quyền có nói với tôi một phát hiện đang được chiêm nghiệm của anh.
Sau hơn một năm, đại dịch qua đi, mọi sự đang thay đổi chị ạ. Em đến thăm nhà các cháu để “tuyển sinh” cho năm học mới. Thấy ba hay mẹ của các cháu, sau hơn một năm cô đơn vì mất người bạn đời do Covid, thì nay có người đã có hay chuẩn bị có “đối tượng” mới. Mà cháu mồ côi cha thì ít bị thay đổi so với mồ côi mẹ, phải chăng các ông chịu đựng cô đơn kém hơn, cần người bầu bạn sớm hơn? Còn các cô chú, ông bà, thân nhân các cháu, sau nhiều tháng dốc sức chăm lo hay thậm chí đưa các cháu về ở mỗi nhà vài tháng thì nay cũng thấy mỏi rồi.
Vậy là lần này đến thuyết phục thân nhân để các cháu vào trường Hy Vọng có phần dễ hơn, ít quyến luyến hơn chị ạ.
Tôi từng biết thực trang đó rồi vì có cháu đã kể với tôi. Chỉ biết thở dài. Thời gian thời gian…Ai kéo căng cảm xúc mãi được. Rồi mọi sự cũng phôi pha thôi. Nhất là cảm xúc của cộng đồng…
Mà biết ràng cảm xúc dễ phai nhạt thì cần tổ chức hành động, xây dựng chính sách cho vững vàng, ổn định đúng không?…
Tôi mới đọc một stt mới của Hoàng Quốc Quyền, giám đốc trường nội trú liên cấp Hy Vọng, đang nuôi dạy các cháu mồ côi vì Covid ở Đà Năng. Hoàng Quốc Quyền kể chuyện anh đến thăm nhà một cháu mồ côi.
“Căn nhà chị nằm gần cuối ngõ ở quận Bình Thạnh. Nhà chị bề ngang 3m, dài 2m. Tôi và chị ngồi ở tầng 1 cảm giác như hết cả căn phòng.
Chị vẫn đặc giọng Quảng Nam, đã vào đây 18 năm, lấy chồng và ở trong căn nhà đó đến bây giờ.
Chị bảo vẫn như mới đây thôi chú ạ. Con ngõ này 8 người chết vì covid. Nhà chị 3 người cùng một lúc: bố mẹ chồng và chồng chị.
Một ngày tháng 9 năm 2021 nhà chị nhận một lúc ba hũ tro của ba người mà như chết lặng. Đến giờ chị vẫn chưa tin điều đó lại đổ ập xuống gia đình chị và với con ngõ nhỏ của chị. Nhà thì chật hẹp, ngõ thì nhỏ, đường thì đông đúc và chị cứ phải gồng mình lên để sống qua ngày.
Nhà chị đang ở là nhà chồng chị, giờ quanh đây còn mấy bà chị của chồng. Chị mong thằng nhỏ có điều kiện tiếp tục đi học, nó có tương lai của nó.
Chị mong có ngày trở về quê Quảng Nam.
18 năm xa quê: covid ập đến mang đi mọi điều của chị, mang cả thanh xuân của chị, mang cả tình yêu của chị, mang cả điểm tựa của chị.
Chị bảo Covid nó cuốn cả 18 năm tích lũy làm lụng của chị.
Rồi trước khi tôi ra về chị bảo: chị nghĩ, chị cũng còn may mắn còn có cái nhà 6m2 và thằng con”
Tôi nói với con trai là tôi có một điểm hẹn ở Đà Nẵng. Điểm hẹn của tôi là trường Hope. Cũng có đến hơn 400 cháu mồ côi vì Covid đã được nhận vào trường. Tập đoàn FPT trao cho chúng nơi ăn ngủ, học hành và các thầy cô giáo, những tình nguyện viên ngày ngày giúp chúng rèn luyện nên người.
Tôi đang nói với vài người bạn làm doanh nghiệp thân thiết nhất. Chúng mình làm gì cho tụi nhỏ đi, dành một phần, một khối lượng sản phẩm nhất định góp vào cho cuộc sống hàng ngày của chúng, từ những món thiết yếu đến học cụ, sách vở, thuốc men… Gánh vác cùng FPT lo lắng ổn định và lâu dài cho tụi nhỏ.
Cảm xúc rồi sẽ qua đi. Nỗi đau và sự thiệt thòi thì vẫn ở lại cùng những nạn nhân cuối cùng, rất thầm lặng sau cơn lốc dịch bệnh tàn khốc chỉ nghe cũng đủ rùng mình.
Bạn T.N, một kiến trúc sư, giờ đang đi làm báo, từng rủ tôi cà phê chỉ để nhờ tôi phản biện một dự án nghe như rất đơn giản: kêu gọi bạn trẻ hãy dành mỗi tuần hay mỗi tháng một buổi, một buổi thôi, đến nhà thăm hay đến với những nơi nuôi bọn trẻ mồ côi vì cơn lũ Covid và làm chỉ một điều: ôm nó, trò chuyện bình thường, lắng nghe ân cần những gì nó cần nói. Không cần quá thiết tha, bối rối vì xúc động, chỉ cần trò chuyện bình thường với lòng yêu thương kín đáo-vô lượng mà thái độ thì rất bình thản, an nhiên. Chúng cần một cái ôm trìu mến, một sự lắng nghe, chia sẻ…

Căn phòng hẹp, chỉ đủ ngồi dưới sàn nhà tiếp khách. Nhưng tôi (KH) từng đến căn phòng hẹp hơn, ở Gò Vấp, khi tôi bước vào, đứng cạnh người mẹ thì cậu con trai phải bước ra ngoài vì…hết chỗ.

Hẻm nhỏ sâu hút. Những con hẻm hun hút này ở SG, đếm sao xuể.
Trả lời