Tối qua, tôi đọc thấy một đoạn ngắn mà Nguyễn Thanh Diệp viết trên phây: “Tết năm nào tiết mục vui nhất cũng là họp mặt đám giỗ bên ngoại vào mùng 2 tết. Cảm động nhất là năm nào cũng được đón tiếp 2 bà dì Hạnh quí hoá, bạn của dì Ánh, cho dù dì mình đã ra đi hơn 20 năm rồi”
Mấy dòng của Thanh Diệp khiến tôi cứ nao nao bồi hồi nghĩ tới bạn, dì Ánh của Thanh Diệp. Vũ hiền hữu, Ánh hay gọi tôi như vậy (Ánh mê cổ văn và giỏi chữ Hán). Hai bà dì cùng tên Hạnh. Tuyết Hạnh và Kim Hạnh là hai người bạn thân nhất của Ánh. Chị Tuyết Hạnh giỏi tiếng Anh, có nghề day học tiếng Anh nhưng lại làm Thạc sĩ về thơ Đường (hồi xưa, không ít người cứ thích gì học nấy, học cho bằng thích). Hai dì Hạnh này cùng thương nhớ dì Ánh của Diệp hoài hoài. 24 năm, Diệp nói “hơn 20 năm”, tôi nhớ chính xác là 24 năm. Ánh là bạn thân “bền vững” của tôi từ hồi cùng học Gia Long, qua Vạn Hanh, cho tới giờ dù Ánh đã ra đi năm 1999. Chung quanh Ánh, nhóm bạn Gia Long-Vạn Hạnh chúng tôi chơi với nhau thực sự gắn bó. Em rể của Ánh, bạn Thành Long trở thành “bạn thân” của tôi, như “phát hiện” của em ruột Ánh là Tuyến, sau này thành vợ của Long. Tuyến kể lén cho tôi nghe là: em thấy khi khai lý lịch, anh Long ghi bạn thân là chị (phát hiện này đáng giá, vì đâu có ai “xin phép” mình hay nói cho mình biết, họ coi mình là bạn thân nhỉ?). Từ trung học, chúng tôi cùng sinh hoạt trong “bút nhóm” QUÊ HƯƠNG”, tự xuất bản hàng tháng một tập thơ văn in ronéo do các thành viên tự sáng tác, ca tụng tình yêu nước, lấy tên là Đặc san “Quê hương”, và tôi là “quạ sĩ trình bày” tức vẽ stencil, chép thơ kiểu viết tay. Vẽ xong cũng tự đem đi in luôn.
Ánh tên thật là Lê thị Mỹ, tên ở nhà là Ánh. Tụi tôi cùng học chung trường Gia Long, cùng tham gia “bút nhóm Quê Hương”, cùng vào đại học Vạn Hạnh (Ánh học Đại học văn hóa Hà Nội, ghi danh thêm khoa “Quốc nhac” ĐH Vạn Hạnh). Ốm nhách như một cây sậy gầy gò, mà tận tụy đùm bọc, chăm lo, đôi khi chở che bạn bè như một lá chắn vững chải. Với bạn thân càng hết sức chu đáo, thương và lo. Ánh quyết đoán và tận tình, mà cực kỳ tháo vát. Tôi cứ thầm phục, nhỏ này hay quá, chạy xe gắn máy, lái xe hơi, chèo đò (nhà Ánh ở tận đường Bông Sao, quận 8, hồi trước kênh rạch nhiều), gì cũng thạo. Nếu cho có máy bay tư chắc nó làm “giặc lái” được luôn.
Ánh nói ít, lo nhiều, hành động thầm lặng giúp những bạn khó, nghèo nhiều lắm. Ít phán xét ai nhưng đã nói là ít khi trật và cũng ít khi đổi ý. Nên với bạn bè, người này “quyền lực” lắm.
Tôi nhớ một hôm, Ánh nói với tôi. “Mày khoan nhận lời ông Phước. Để tao đi “tham quan” chỗ ổng ở và nói chiện xem sao”. Tôi không biết Ánh lọt vô nhà người ta tham quan cách nào mà mấy ngay sau Ánh phán: “Xong rồi. Được”. Ánh đâu biết, sau này, mỗi khi Ánh ghé nhà chơi, khi Ánh về, anh Phước cứ cười khá khà nói: may mà hắn bí mật tham quan và phán là được, không là tôi mất vợ như chơi.
Anh Phước đâu biết, Ánh còn nói thêm, mày mà gặp ông này sớm 10 năm thì khỏi phí 10 năm thất tình dai dẵng quá. Hồi nghe tin ông bồ cũ của tôi thình lình đi cưới vợ, bạn ấy nhún vai: “Mày buồn thì khóc cho đã, ít bữa rồi quên đi, họ xử như vậy, có gì đâu tiếc? Không đáng!”. Tôi đang buồn mà suýt bật cười, kẻ chưa có một mảnh tình vắt vai mà cũng cao giọng và rành rọt khuyên can như ra lệnh. Lâu nay, mọi chuyện tôi thường nghe lời nó, nhưng chuyện này lại không nghe được…
Một lần khác, sinh nhật tôi, Ánh tặng tôi một món quà rất đặc biệt. Một cây viết máy Pilot màu xanh ngọc có khắc trên thân viết hàng chữ: “Tặng Vũ hiền hữu”. Sau này khi Ánh mất rồi, mỗi lần nghĩ đến hai chữ “Hiền hữu” tôi luôn xót xa với cách bày tỏ tình cảm sâu sắc dịu dàng của cô bạn thân.
Không chỉ với tôi là bạn thân, với mọi người thân quen, Ánh cũng rất biết để ý để tứ chăm lo từng chút, bằng hành động thật là ấm áp và chu đáo. Bạn bè ở cơ quan nhắc về Ánh đều nói, bà Ánh thương và lo khắp cùng thiên hạ.
Người tốt bụng nhất đời mà tôi biết đó sao cuối cùng bỗng mắc một chứng bệnh kỳ lạ, được diễn giải là vỡ tế bào biểu bì tất cả bộ phận cơ thể. Ánh chịu đau giấu biệt. Bệnh diễn biến rất nhanh. Cho đến một hôm, tôi đang đi công tác bên Lào. Anh Phước gọi điện thoại, nói thật chậm rãi như cố ghìm giọng lại. Em. Em phải thật bình tĩnh nghe anh nói đây. Ánh mất rồi. Tôi không nhớ mình phản ứng ra sao, hình như bị thắt tim, không nói được. Em, em sao vậy, anh nói lại, Ánh mất rồi, anh sẽ thay em đến nhà phụ lo đám tang Ánh. Em phải bình tĩnh, thật bình tĩnh nghe.
Sau này, chị Tuyết Hạnh nói với tôi, thật là đáng quí, anh ấy có mặt suốt mấy ngày, tiếp khách, châm trà, đứng canh quan tài như một người anh của Ánh trong nhà.
Và từ đó, năm nào, trưa mùng 2 Tết, chúng tôi cũng qua nhà, ngày đám giỗ Ánh (nhà chọn ngày chung cho cả ba má Ánh luôn). Không sót một năm nào hết, cho đến một ngày gần cuối năm 2020, anh Phước cũng theo chân Ánh ra đi.
Tôi lại tiếp tục lặng lẽ về đám giỗ Ánh mỗi mùng 2 Tết, vẫn ra đứng trước mộ Ánh, cạnh nhà. Tao đây Ánh, tao về thăm mày. Giờ có mình tao. Anh Phước chắc đã gặp mày rồi…
Rồi đột nhiên năm nay, Tèo nói với mẹ, mẹ à, năm nay mùng 2, con đưa mẹ qua đám giỗ dì Ánh nghen. Nơi phương xa đó, có 2 người mỉm cười khoái chí khi thằng con biết thương-lo và nhớ người bạn thân nhất của mẹ.
Đám giỗ, đám hiếu (đám tang) thì đâu có ai đưa thiệp mời. Chỉ có tấm lòng, tình thương, nỗi nhớ đưa người ta về. Hai mươi bốn năm hay bốn mươi hai năm, nỗi nhớ thương vẫn truyền đời, Ánh ơi, anh Phước ơi.

Ảnh cũ năm 1976, một tiết mục hợp xướng của Đoàn Văn Nghệ SV Vạn Hạnh, 2 người trong vòng tròn ghi chú màu đỏ: Kim Hạnh bên trái và Ánh bên phải, hàng đầu tiên.

Ảnh mới chụp nhân ngày giỗ, mùng 2 năm nay, hai người đứng giữa là hai dì Hạnh của Thanh Diệp, bạn thân của Ánh

Anh Kiến Phước (áo sọc đen) trò chuyện với hai ông con rể, anh Thanh Phong (áo trắng) là anh rể và Thành Long (sọc ngang đỏ) em rể của Ánh, ngày giỗ mùng 2 Tết năm 2019.

Tèo trốn hết mọi lúc chụp ảnh chung, bỗng xuất hiện trong bức ảnh chụp với “chị” Thanh Diệp, người viết phây ở đầu stt.

Cả nhà kéo ra sân chụp ảnh chung. Hai ông mặc áo thun sọc ngang là hai ông cùng là người Gò Công, ngày giỗ năm 2019
Trả lời