Cứ như là Phóng sự chiến trường…
7g15 phút, tôi đang chạy honda trên đường, bỗng điện thoại reo giật ngược. Rất hối hả và rất vui, là giọng của thầy Quyền, giám đốc trường Hope. “Vừa xong, chị, em báo tin ngay kẻo chị mong. Bạn cuối cùng trong 50 bạn vào trường hôm nay đã hoàn tất việc nhận mọi đồ đạc, nhận phòng và xong thủ tục. Lần này, Sài Gòn đông nhất, 27 bạn, còn lại là Cần Thơ, Bến Tre và Đồng Tháp…”
Trước tràng “raphan” thông tin dồn dập đầy hào hứng, tôi chú tâm ngay vì đúng là mình đang mong tin, nhưng rồi tôi bỗng giật mình, phải chặn Quyền một chút. Tôi nói nhanh, khoan, chờ chị dựng cái xe. Xong rồi, kể tiếp đi, ông thầy ơi.
“Dạ, điều vui nhất hôm nay là cuộc thử nghiệm: để tụi nhỏ tự tổ chức đón tiếp nhau hết từ đầu chí cuối chị ạ. Hai tốp vào đầu tiên, F1 và F2 phải tự lo chuẩn bị vật dụng, các đồ đạc cần thiết, chuẩn bị hướng dẫn tốp vào sau, F3, thật mạch lạc cặn kẽ các qui định rất chặt chẽ và còn lo chuẩn bị bánh trái, nước nôi mời phụ huynh và mời các bạn mới.
Chúng dặn nhau thế này nè chị.
– Giữ đồ nhé. Không để mất mũ, áo và giày Hope. Phạt nặng lắm đấy. Làm vườn cả tuần luôn..
– Khi đi ăn, rửa chén bát, đi thang máy, ra những nơi công cộng phải giữ im lặng, không được ồn ào.
– Nghe tiếng kẻng là biết đó là: kẻng báo thức, kẻng đi ăn, kẻng đi ngủ, kẻng đi học.
– Phải nhớ số phòng, tên tiểu đội, trung đội và phải thuộc tên mọi người nhé.
– Nhớ học thuộc bài ca về Hope nhé. Và lời tuyên thệ của Hopers. Và nhớ thuộc dần cả bộ luật Hope nhé. Vi phạm là phải đọc sách 1 tuần, chép tiếng Anh cả 1000 từ, học hát, chạy bộ, làm vườn, kể chuyện ….
Nói thế chứ khi các bạn mới vào vi phạm thì chính các bạn F1, F2 bị phạt trước. Mà chúng làm mọi việc rất nhịp nhàng, đúng trình tự hết chị ạ. Đâu ra đấy cả. Với kinh nghiệm đã trải qua những ngày đầu bỡ ngỡ, hồi đó rất nhớ nhà, nhớ cha mẹ mất quá đột ngột nên chúng hiểu rõ phải chỉ dẫn lại bạn vào sau cẩn thận thế nào.
Còn điều vui thứ nhì là chúng gắn bó với trường, với thầy cô và các bạn. Chúng mang ra cơ man nào là quà, toàn những món bất ngờ chị ạ. Nhà có gì nó khuân ra cái đó: bánh, trái, cây con lỉnh kỉnh đủ thứ. Cả tiền lì xì nữa.
Em nói em giàu nhất Việt Nam là có lý chứ, tiền thì cả nắm, cây ăn trái thì đủ loại, sắp thành một farm lớn ở đây rồi.
Tôi chen ngang. Quyền ơi, cậu bé mà chị post hình nó mang cả cái cây non ra, chị thấy nét mặt tươi tỉnh tự tin đó như hơi quen quen, các “phây hữu” của chị khen lắm. Quyền nói thật nhanh. Dạ thì đúng dân Sài Gòn mà chị. Nó ở quận 7, học lớp 6, tên là Gia Bảo. Cái cây nó mang ra là đi xin của hàng xóm, cây cóc đó chị. Gia Bảo thì có chuyện vui lắm, Quyền cười khà khà. Hôm gần Tết, nó đến gặp em thì thầm, thầy, thầy chỉ cho con cách nào “tỏ tình” với bạn TS đi thầy, em hỏi han và tư vấn một chút, xong hồi sau, nó kể lại, “con nói với bạn ấy thì bạn ấy nói, không được, tôi mách thầy Quyền, báo hại con phải nói, thôi mà, đừng nói với thầy, bạn coi như tôi chưa nói gì vậy.”
Tôi cười, thấy chưa, đẹp trai là nó sóng gió sớm vậy đó. Quyền kể tiếp, con gái đằm thắm hơn. Cô bé tên Trúc Xinh về quê ở Quảng Ngãi. Bé có cha mẹ cùng mất vì Covid khi đang làm công nhân may ở TP, nên gia đình không còn, phải về ăn Tết ở quê với nhà dì. Nó về trường, gói theo một xấp tiền rất to là những tờ 1k, 2k, 5k. Khoe với thầy là tiền mọi người lì xì cho con. Cả một xấp tiền thầy nhìn qua khoảng 50k. Nó bảo con đưa hết thầy giữ cho con. Ông thầy nhìn xấp tiền của trò mà lòng nặng trĩu, đầy lòng tin cậy yêu thương thầy, đủ điều ở đây, đủ điều ở nơi con vừa rời đi và bao điều chẳng nói nổi. ..
Nghe Quyền kể, và qua mấy lần đến thăm trường, nhìn học trò sinh hoạt, học hành, vui chơi với nhau, tôi cũng thấy cách tổ chức chúng thành những nhóm nhỏ như “hướng đạo”, giao trách nhiệm cho các lớp trước giúp lớp sau là có lý. Người đi trước bảo ban, chỉ dẫn tận tình cho lớp sau, là trao tình thương và trách nhiệm khi mà hàng ngày chúng vẫn sống gắn bó củng nhau là cách giáo dục rất sinh động, tự nhiên.
Mỗi bạn nhỏ có trách nhiệm rõ ràng với bản thân, với tổ chức nhỏ của mình cũng như cộng đồng. Tinh thần trách nhiệm và tình thương sẽ duy trì tình đoàn kết và tính kỷ luật.
Chẳng thế mà chúng tự tổ chức được cuộc tiếp nhân 50 bạn mới hôm nay tươm tất, gọn gàng và dù chẳng có ai dặn, chúng cũng tự nguyện mang đủ thứ cây ăn trái về trồng để cùng xây dựng nên khu vườn của chúng trong trường.
Với chương trình dạy dỗ về văn hóa, về thể chất, ngoại ngữ, phát triển năng khiếu, nâng cao tinh thần và ý thức trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, các thầy cô chắc sẽ còn được chúng… nhờ giữ những “tài sản” to lớn hơn 50 ngàn và còn phải tư vấn tiếp, sau những lần “tỏ tình” thất bại của chúng. Có sao đâu, quá sớm mà…
PS. Tôi viết “phóng sự chiến trường” này thật nhanh vì chuyện ngày tựu trường rất dễ thương của thầy trò trường Hope. Tối qua, thật khuya rồi mà tôi cứ ngồi nghĩ, sao mình hào hứng vậy. Có lẽ vì tôi mừng quá, làm sao ngờ được những đứa trẻ vô tội, nạn nhân bi thương nhất của mấy tháng 7,8,9,10 thảm khốc kinh hoàng năm 2021, mỗi đứa một hoàn cảnh, tuyệt vọng ngơ ngác tận cùng, cứ nhìn và nghĩ tới từng đứa là thấy đứt ruột, xót lòng không chịu nổi, mà nay chúng có thể tìm lại được niềm vui, nụ cười, hi vọng giữa thầy cô, bạn bè thân thương. Mừng chứ, mừng cho tụi nhỏ, thật mừng không sao tả xiết….





Trả lời