TRƯỜNG SA. THƯƠNG HIỆU VÀ TÌNH YÊU ?

Loạt bài. Đến với Đảo Trường Sa. Bài 6 (bài cuối)

Tôi để dành câu chuyện về Đảo Đá Tây A cho bài cuối của loạt bài. Đó là nơi gợi cho tôi điều nghĩ mới mẻ về việc “làm thị trường” và làm thương hiệu cho sản phẩm của Trường Sa..

Trên đường vào đảo Đá Tây A, tôi biết, đào có âu tàu lớn (là 1 trong 4 âu tàu của 4 đảo trong quần đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa). Âu tàu nói đây khác với nghĩa gốc (dùng dâng và hạ nước trong và ngoài âu) mà có nghĩa là điểm tựa cho ngư dân đánh bắt xa bờ có thể vào né bão, sửa tàu, tiếp nhiên liệu, lương thưc hay nước ngọt). Ngồi trên tàu lớn KN-290 nhìn ra mặt biển, tôi thấy bức tường thành rất dài làm ranh giới bao bọc của âu tàu như 2 cánh tay người mẹ, ôm đàn con là các tàu thuyền đang ra khơi xa.

Đảo Đá Tây A rất trù phú, nhiều công trình, cây xanh, rộng thoáng. 10 con thú nhún được TPHCM tặng, vừa đặt xuống giữa sân rộng là đám trẻ con ùa ra, ríu rít vui đùa. Một chú bé mũm mĩm dắt tay tôi đi xích ra dãy nhà dân, tự giới thiệu, con tên Nguyễn Thanh Phong, học lớp 4, và chỉ tay, nhà con đằng kia, nhà số 4 ạ.

Tôi bị hút mắt vào các công trình, trường học hai tầng khang trang, dãy nhà dân mới, đẹp. Nhưng bạn Tuấn Hùng, chủ nhiệm trẻ của HTX NN Tuấn Ngọc lại giật tay tôi, chỗ này còn vui hơn nè chị. WOW, một vườn dưa ngay cạnh lối vào chính. Tôi sà xuống ôm lấy mấy trái dựa to nhưng những chú heo con lạ lẫm vừa đi lạc đến nơi này. Khó tưởng tượng là trồng được dưa hấu trên đất san hô này. Một công nhân làm việc bảo dưỡng thiết bị cho máy móc trên đảo đã mua hạt giống từ đất liền ra trồng thử từ 6 năm trước, thành công. Anh kể, tôi từng trồng dưa ở quê nhà nên muốn thử. Ở đây ngày tưới 2 lần, bằng nước mưa và mỗi năm chỉ trồng được 1 mùa (từ tháng 3 đến tháng 6, biển yên). Thỉnh thoảng có trồng được mùa phụ là Tết. Mỗi trái thường năng 8kg đến 10 kg, có khi nặng 15 kg.

Sau trái đến hoa. Bụi bông giấy sum suê đỏ một góc trời hút tôi đến một khu nhà. Tấm bảng lại viết tắt. Cửa hàng DVHC nghề cá đảo Tây A, chưa mở cửa . Tự hỏi, không lẽ là dịch vụ hành chánh, không có nghĩa, tôi chạy kiếm một chú bộ đội và hỏi. Chú cười. Dịch vụ hậu cần chị ơi. Tôi hình dung ngay lắm thứ để xem đằng sau cửa hàng.

Và cầu được ước thấy, tôi bước đến một khu hơi tách biệt, một nhà máy nước đá đang xuất hàng cho ngư dân đậu dưới bến.

Các bạn công nhân mặc áo ghi rõ tên Công ty, trả lời cho tôi rất cởi mở. Mỗi cây nước đá (dĩ nhiên làm bằng nước ngọt) có giá bán 17 ngàn, bằng hay rẻ hơn trong đất liền. Mỗi ngày họ làm ra 832 cây, xuất bán dạng nguyên cây hay đá bào để ướp cá. Một anh bộ đội nhất định cãi với tôi là nhà máy thuộc Bộ Thủy Sản và tôi phải đính chính, nay Bộ này đã là Tổng Cục Thủy sản, thuộc Bộ Nông nghiệp-PTNT, nơi có người quen thân của tôi và tôi đã định sẽ nhắn tin khen Bộ Nông nghiệp giúp ngư dân rất hiệu quả. Chẳng những bán nước đá rẻ, nhà bếp của cửa hàng dịch vụ còn đang nấu nước (ngọt) châm cho các tàu để uống, miễn phí.

Không còn thắc mắc về cái âu tàu, tôi đi tìm nhà của Long, câu bé “quảng giao” tôi gặp đầu tiên. Má của Phong là chị Đặng thị Báu. Chị đã bày sẵn trên bàn dĩa rau câu mời khách. Rồi chị mang ra nhiều vỏ ốc to, đẹp, chào mời. Tôi nghĩ thầm, “thương nhân” đầu tiên trên đảo đây. Chị tiếp tục giới thiệu những cây hoa giả, hoa là các vỏ ốc màu trắng cũng lạ. Tôi hỏi chị có món nào gọn gàng, nhẹ hơn, để tôi bỏ vào ba lô thật gọn và không bị gãy?…Tôi thử hỏi, nếu tôi “mua” cái vỏ ốc to thì giá bao nhiêu. Chị nói, dạ 700 ngàn.

Tôi nhìn dãy sản phẩm của chị Báu và quyết định nói nhanh một bài nhập môn về cách tiếp thị, bán hàng cho khách thăm đảo. Tôi phân tích về giá, về nhu cầu của khách, về kỳ vọng và cả cách đóng gói mang về. Cuối cùng tôi xin mấy cái vỏ “bào ngư 9 lỗ” có viết nguệch ngoạc mấy chữ “kỷ niệm Trường Sa” và nói rõ, tôi biếu ít tiền cho cháu mua bánh chứ không phải bỏ từng ấy để “mua” mấy vỏ sò.

Tôi tiếc là mình không thể nói kỹ hơn để chị Báu có thể “thành công” hơn ở những thương vụ hiếm hoi khác

Tôi nhớ bạn Tạ Bích Loan mấy lần nói tôi tìm cách xây thương hiệu cho các sản phẩm Trường Sa. Điều đầu tiên là sản lượng ít quá. Bán đặc sản quí hiếm, ví dụ, làm một bữa tiệc toàn là rau và gia vị từ Trường Sa cho khách quốc tế, thật đắt tiền, hảo hạng, cũng đáng.

Một bạn trong nhóm biên tập tiktok “5 phút-Chuyện thị trường” còn công phu sưu tầm một clip gửi tôi. Rằng có thể vận dụng cách người ta ép lá bàng khô ở Phú Yên thành những đĩa, tô đựng thực phẩm phục vụ khách du lịch. Tôi xem clip và mừng, thấy ý tưởng rất khả thi, vì lá cây bàng vuông và cây phong ba thì bạt ngàn ngoài đảo.

Thợ cơ khí của mình làm những máy nhỏ ép lá khô thành đồ đựng đẹp, đảm bảo sạch, dư sức. Mang máy ra đảo hay mang lá cây từ đảo về ép khuôn thành chén, dĩa Trường Sa, cầm lên là cảm động biết bao nhiêu vì cái tình, cái nắng, cái gió của biển đảo Trường Sa?

Vậy là có nhiều món có thể nghĩ tới làm thương hiệu cho TS. Đã có bia TS. Nên quảng cáo Âu tàu TS. Nước đá TS. Dưa hấu TS. Vỏ ốc, hoa ốc TS. Rau xanh TS. Gia vị TS. Và nay, chén dĩa TS nữa…

Lại có một đề xuất tôi thấy đáng quan tâm nhất. Hầu hết các bạn tôi, khi nghe tin tôi chuẩn bị đi Trường Sa đều chép miệng, làm sao để được đi Trường Sa “một lần trong đời” đây? Thương mại hóa như kiểu làm tour du lịch thì khó nhưng biến “một chuyến đi Trường Sa” thành một món quà cực kỳ trân quí, một phần thưởng vô giá cho những người xuất sắc các lãnh vực (cho doanh nhân, thầy cô giáo, sinh viên, nhà nghiên cứu, thợ tay nghề xuất sắc…) mà các cơ quan bỏ tiền ra mua để thưởng, là quá nên đi chứ?. Đi để hiểu, để cảm nhận cuộc sống anh hùng, hiểm nguy, gian khổ của người lính, là dịp hiếm có vì hiện nay đâu có cơ hội tiếp cận dễ dàng. Và hiểu, thấu cảm thật sống động cuộc sống ở những vùng đất linh thiêng của Tổ Quốc mình, bao người phải đổ máu xương để gìn giữ. Không hiểu làm sao yêu?

Những ý nghĩ về thương hiệu theo tôi ra đến cổng. Bỗng tôi phải khựng lai trước một tấm bảng. Cũng có hai chữ viết tắt (CĐ) nhưng tôi đọc hiểu được đến dòng cuối cùng. Khô. Lạnh. Đanh. Còn người còn đảo.

Vâng, còn người là còn đảo. Còn người đổ máu bảo vệ đảo. Còn người làm dịch vụ hậu cần cho ngư dân bám biển. Có sản phẩm và dịch vụ, người sẽ làm thương hiệu. Mà thương hiệu gì thì cũng phải giữ được đảo và biển của mình.

Biển và đảo linh thiêng. Máu thịt của mình.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: