ĐUÔI SÓI TRONG DA CỪU ?

Tròn 2 tuần sau chuyến đi Trường Sa, mình vẫn thỉnh thoảng bật điện thoại xem điệu múa “Chào em cô gái Lam Hồng” thật khỏe khoắn vui tươi của các chàng bộ đội trẻ hay bài “Quê con ở Trường Sa” thật trong trẻo cảm động của đám con nít sinh ra và đang sống ở đảo lớn Trường Sa. Và cũng vẫn văng vẳng bên tai mình điệp khúc về tình hình biển đảo: “âm mưu nước ngoài sâu hiểm, diễn biến khó lường”

Sáng nay, đọc được một bài mới trên Asiatimes về thay đổi lớn trong chính sách ngoại giao của “nước ngoài”, từ chiến binh sói sang “hợp tác, xây dựng” , mình lược dịch để mời bạn bè đọc thêm về ông bạn lớn.

Joseph Rozen trong bài viết “Trung Quốc thúc đẩy chính sách ngoại giao hướng Nam toàn cầu và thay đổi trong chính sách ngoại giao” ngày 10/5, đã bắt đầu bài viết với nhận định: Việc Iran và Ả Rập Saudi đồng ý nối lại quan hệ ngoại giao sau nhiều năm đụng độ khiến nhiều người bất ngờ – đặc biệt là do vai trò trung gian hòa giải giữa các bên của Trung Quốc.

Thỏa thuận này được một số người mô tả là một thành tựu đột phá và họ dự báo là sẽ thay đổi toàn bộ cấu trúc địa chính trị ở Trung Đông.

Trên thực tế, thỏa thuận này không biến Iran và Saudi Arabia từ thù thành bạn, cũng như không làm thay đổi cách tiếp cận nhiều mặt của các nước Trung Đông.

Hoạt động ngoại giao tích cực của Trung Quốc gần đây không chỉ liên quan đến Trung Đông mà còn trên toàn cầu. Xưa nay, TQ luôn rất có bản lĩnh và có khả năng tốt trong xác định các cơ hội toàn cầu để mở rộng ảnh hưởng của mình và tận hưởng thành quả do những người khác làm được. Chưa kể là hiện thời, việc thúc đẩy sự ổn định nói chung là rất quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc – và càng quan trọng hơn là nhu cầu cải thiện hình ảnh toàn cầu của nước này.

Như “kế hoạch hòa bình” để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine mà TQ đưa ra gần đây. Giới ngoại giao đều biết, đó chủ yếu là màn tung hỏa mù để make up, hợp pháp hóa chuyến thăm Mátxcơva của Tập Cận Bình, nhưng ít nhất nó cũng thể hiện TQ là một cường quốc cân bằng và có trách nhiệm.

Một ví dụ khác là đề xuất của Trung Quốc làm trung gian hòa giải giữa Israel và Palestine, sử dụng lại các nguyên tắc cũ mà các quốc gia khác đã thử nhưng không thành công.

Những dấu hiệu ban đầu của hoạt động ngoại giao, mục đích là thể hiện rõ vai trò toàn cầu của TQ, đã được trình bày rõ tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái. Sau đó, vào tháng 3 năm nay, việc bổ nhiệm cán bộ ngoại giao Trung Quốc cũng cho thấy Tập Cận Bình tập trung vào quan hệ với Mỹ và phát triển kinh tế.

Qin Gang (Tần Cương), tân bộ trưởng ngoại giao, cũng là cựu đại sứ của TQ tại Hoa Kỳ, được thăng cấp ủy viên quốc vụ viện. Cả Qin và người tiền nhiệm trực tiếp của ông ta là Wang Yi, cũng là một ủy viên hội đồng nhà nước, đều có nhiều kinh nghiệm về các vấn đề của Mỹ và có nhiều quyền lực hơn so với những người tiền nhiệm. Còn Zhao Lijian, người đại diện chính sách ngoại giao chiến lang thì đã bị giáng chức vào tháng 1 xuống vị trí giám sát các vấn đề đại dương (ông lại đi “giám sát” các vấn đề đại dương thì “duyên nợ” ông với biển đảo Việt Nam chắc lại hứa hẹn có nhiều sôi động?).

Xin cập nhật thêm ngoài bài báo là hiện nay, ông Tần Cương đang đi thăm một số nước quan trọng ở EU. Và mới đây Bắc Kinh từ chối ngang xương chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Tài chánh Đức Christian Lindner (FDP)! Ông Lindner có tiếng thân thiện với Đài Loan và phong trào dân chủ của Hồng Kong từ lúc chưa làm bộ trưởng. Ủa, vậy là TQ không cần “xây dựng hợp tác” với người không được ưa thích này?

Và nhiều nhà ngoại giao chuyên nghiệp đã đúc kết: Sau Đại hội 20, TQ đã chuyển từ chiến lược ngoại giao “lang sói” thành chiến lược ngoại giao “hợp tác” nhất là trong khối phương Nam (the global South)—tập trung qua ba sáng kiến: sáng kiến văn minh toàn cầu (Global Civilization Initiative), Sáng kiến An ninh toàn cầu (Global Security Initiative), và Sáng kiến Phát triển toàn cầu (Global Development Initiative).

Nhiều nước đang phát triển quan tâm theo hướng chấp nhận cách thức “xây dựng và hợp tác” của TQ. Chỉ có các nước lân cận đang bị lấn ép đủ kiểu thô bạo về vấn đề biển đảo là hiểu cái sự “diễn biến khó lường” của họ, rõ nhất là quán tính “nói zậy mà không phải zậy” tức “nói một đàng, làm một nẻo” thôi.

Ảnh (của báo asiatimes). Pakistan nay gắn bó với TQ qua chiến lược lớn “Nhất đới nhất lộ”

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: