MỪNG CHỢ XANH TỬ TẾ ĐÃ HỌP TỚI PHIÊN THỨ 300

Tháng 4/2016, Phiên Chợ Xanh Tử Tế họp lần đầu tiên, đến nay ròng rã đã 7 năm và hôm nay là phiên thứ 300.

Thật giản dị, dễ thương, không quá long trọng, màu mè, cuộc “ăn mừng” phiên chợ thứ 300 diễn ra ngay trên mặt bằng chợ, có đông đảo các chủ hàng, các nhà sản xuất, khách hàng và ban tổ chức, cả đại diện của Bộ Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn, ông Phó văn phòng Bộ, Lê Viết Bình, phụ trách chính mặt bằng này.

Từ 6 giờ sáng nay, khách đi chợ đã đến thật đông, đông đến bất ngờ. Chợ Xanh Tử Tế tuần này có các hộ nông dân, HTX, làng nghề, doanh nghiệp siêu nhỏ từ 29 tỉnh thành trên cả nước về đây bán hàng.

Buổi họp mặt vui chiều nay, Ban Tổ Chức mời những khách hàng đã đi chợ từ những ngày đầu từ 7 năm trước và 16 dơn vị tham gia liên tục 7 năm qua được tặng quà lưu niệm.

Mặt bằng chợ là tầng trệt Văn phòng 2 Bộ Nông nghiệp & PTNT tại TPHCM, suốt 7 năm, không thu tiền cho thuê mặt bằng và ban tổ chức cũng chỉ thu tượng trưng để các đơn vị siêu nhỏ có sức đầu tư nuôi “cơ nghiệp” lớn dần lên.

Nói đơn giản, đây là nơi để nhà sản xuất tiếp cận người tiêu dùng, học cách bán mua, phục vụ khách hàng. Tôi thấy khác. Đây thực sự là một trường học thực nghiệm về xây dựng và phát triển kinh doanh cho các đơn vị thật nhỏ. Học cách xây dựng kế hoạch kinh doanh, danh mục sản phẩm, phát triển sản phẩm. Học làm marketing, bao bì, thương hiệu, xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm. Học cách xây dựng hệ thống tiêu chuẩn từ nhỏ đến lớn từ khởi đầu đến thật chỉn chu, chuyên nghiệp để giữ gìn, đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định, nhất quán. Đây mới là yếu tố quan trọng nhất tạo niềm tin và giữ chân khách hàng. Tự nghiên cứu khách hàng, lắng nghe các ý kiến thẳng thắn, không nương nhẹ của khách hàng, nhìn cách doanh nghiệp bạn cải tiến mà…co giò chạy theo và…qua mặt bạn. Các đơn vị đã tương tác, học nhau, vượt nhau trong “đấu trường” nho nhỏ này, trong trường học thực hành rất sát sưởn này.

Hầu như tuần nào tôi cũng đến phiên chợ. Và tuần nào tôi cũng lặng lẽ phát hiện ra những tiến bộ thật tinh tế, sâu sắc, lặng chìm, không hề có sự ồn ào, nổi bật mà vẫn là những khó nhọc, kỳ công…Từ cách đổi màu của sản phẩm chế biến đến thay đổi cách gói sản phẩm, cách xoay trở miếng lá chuối gói rau, cách chia nhỏ trong đóng gói sản phẩm…tôi cảm phục họ hết lòng hết dạ với những “đứa con” yêu quí – sản phẩm- của họ.

Hội doanh nghiệp Hàng VN Chất lượng cao làm gì cũng gắng giữ độ bền. Cuộc thi khởi nghiệp trong nông nghiệp đã sang năm thứ 8. Chương trình Chuẩn Hội Nhập nay sang năm thứ 7. Chợ Xanh tử tế cũng chấm mí 300.

Bền bỉ. Dai dẳng. Bền vững. Thủy chung. Nhưng cũng không ngừng sáng tạo, đổi mới, phải không, ngay trong từng bước chạy rất bền ấy?

PS. Có bạn vừa hỏi, mai còn không? Xin thưa, mai chúa nhật, phiên chợ vẫn họp đến 12g trưa nhé.

Trao quà và chứng nhận đã tham gia Phiên chợ liên tục 7 năm qua cho các đơn vị

Bánh sinh nhật mừng Phiên chợ lên 7.

Cùng các đơn vị bán hàng “thâm niên” của chợ

Cùng đạo diễn chương trình “5 phút-Chuyện thị trường” lúc 7g sáng tại phiên chợ, tưởng sớm, song khách đã đông lắm, từ 6 giờ sáng. Rau tươi hữu cơ của tỉnh Đồng Tháp (đạo cụ do chị Ino Mayu cho “mươn”) .

Đây, “bà thầy” Ino Mayu dạy nông dân Bến Tre, Đồng Tháp canh tác hữu cơ theo phương pháp PGS. Nông dân Đồng Tháp mang rau lên bán, đắt như tôm tươi.

Quày quà tặng với hơn 1.000 món do các doanh nghiệp và HTX mang đến nhờ Ban tổ chức thay mặt tặng “tri ân” khách hàng. Với bạn Quốc Thịnh, người chuyên trách hoạt động đào tạo, huấn luyện của chương trình “sáng tạo khởi nghiệp trong nông nghiệp” của BSA.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: