Trưa chúa nhật, hôm qua, tôi đươc các bạn vừa cùng đi chuyến tàu KN-290 thăm Trường Sa rủ ăn trưa.
Thật quá bất ngờ tôi được gặp lại thuyền trưởng Quách Hữu Quang (cứ tưởng anh vẫn đang lênh đênh trên biển Đông). Tôi vẫn nhớ câu mà chàng thuyền trưởng trẻ này ghi trong sổ tay một bạn nữ đại biểu trẻ. Sau mấy phút vui mừng gặp lại, Quang lại đem đến một bất ngờ nữa. Anh nói, hồi chị đi đảo An Bang chị có thấy gì không? Đó là đảo khó vào nhất. Đúng rồi, tôi có thấy như có điều bất thường khi lên đảo. Đảo nhỏ, diện tích chỉ 1 ha. Nền là bãi san hô ngập nước, cấu trúc đảo như cây nấm không lồ. Quanh đảo có hệ thống đường chắn sóng cao 2 mét. Đảo dựng đứng giữa biển, lên đảo rất khó nên có đội kéo xuồng (đón khách) khi sóng gió phức tạp. Quang nói, vách chắn dựng đứng, xuồng vào đảo không lên được, thường bị bật ra. Tạo hình nấm còn khiến nhiều xuồng bị lật ngược chứ không chỉ bật ra.
Kinh khủng, hèn chi lúc bò thật chậm trên một bãi dài rộng những bao cát bị ngập trong nước, trong đầu cứ chờ đợi bước lên một bãi sa mạc vì cũng biết đảo không có nước ngọt, không có đất để trồng trọt. Rồi tôi kinh ngạc và quá xúc động vì màu xanh phủ kín đảo.
Ôi, mỗi một chiếc lá, một cây xanh là bao mồ hôi cực nhọc lao khổ vô biên của người lính đảo…
Từng cây con, từng ngày, đến nay trên đảo dữ An Bang, bàng vuông, phi lao phong ba đã mọc thành rừng dày sâu, xanh mướt. ..
Rừng. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Hồi nhỏ, bố tôi có đọc cho tôi nghe một câu ca dao rằng, đời người có 3 nỗi khổ lớn nhất. “Thứ nhất là mồ côi cha. Thứ hai lính thú, thứ ba sơn tràng”. Sơn tràng là những “lâm tặc” đi hủy diệt cây rừng, lấy gỗ quí thỏa thú vui “nhà cao cửa rộng” cho những kẻ thừa tiền lắm gỗ. Ông kể về những cái chết khủng khiếp mà bọn sơn tràng bị rừng cuồng nộ trả thù.
NHIỀU GỖ MỚI SANG.
Tôi ngồi nhìn hình nhà hát quan họ Bắc Ninh mà tự hỏi, bố ơi, bao nhiêu sơn tràng đã chết thảm khốc khi hàng loạt cổ thụ rừng già bị chặt đầu phanh thây làm nên những dãy ghế này? Tôi tò mò đi tìm biên bản cuộc họp của Hội đồng giải thưởng kiến trúc QG khen tặng công trình toàn gỗ ấy. Nhà toán học Ngô Bảo Châu viết về cách một “cán bộ hư cấu” ca tụng nhà hát quan họ Bắc Ninh. “…Mình yêu thiên nhiên nên mình thích nhà mình nhiều gỗ. Ngoài ra đầu tư thì phải làm bài bản… Nhất là khi đầu tư bằng tiền ngân sách mà cậu em mình lại có xưởng gỗ ờ Đồng Kỵ”.
Khổ thân. Thương hiệu Đồng Kỵ giờ bỗng thành…độc hại thế
Lo mọ tìm rồi tôi cũng đọc được cái biên bản khen công trình này, đúng kiểu khen có “MÀU”.
Lại vừa đọc được ý kiến rất thẳng thắn của lãnh đạo Bắc Ninh: “Mọi người muốn nói gì thì nói” . Kệ chúng mày nhé.
Đúng là lập trường kiên định. Vì công trình làm đúng qui trình, được duyệt , được cấp ngân sách chứ có phải làm lậu đâu.
THÀNH PHỐ MỚI “LẠC ĐÀ” ?
Chẳng thế mà ngày 2/5/2023, ban thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng vừa thống nhất phương án sáp nhập huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt. Lạc Dương hiện là nơi có độ che phủ rừng lớn nhất, vậy quyết định này ngay lập tức sẽ giúp Đà Lạt trở nên xanh hơn.
Một giải pháp thần diệu. Muốn xanh, muốn xanh hơn thì CCCP (các chú cứ phá), xong rồi kiếm địa phương nào còn xanh xanh đó, mình sáp nhập nó vô, thế là đơn vị hành chánh mới lại xanh. Rồi cứ thế, khi đơn vị mới sẽ vẫn CCCP nên bớt xanh, hết xanh, mình lại sáp nhập.
“Chính sách công” khéo léo, an dân kiểu đó thì trời nào mà chẳng hoảng hồn?
…Nhưng tối qua, tôi cũng nhận được một tin khác từ TRÀ VINH.
TỈNH TRÀ VINH HẠNG NHẤT CHỈ SỐ XANH CẤP TỈNH
Chỉ số xanh cấp tỉnh có tên tắt là PGI (Provincial Green Index- PGI) . Tại cuộc hội thảo “Vùng ĐBSCL phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và giới thiệu chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI)” ngày 9/5 vừa qua, kết quả đầu bảng của Trà Vinh đã được công bố.
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nói rằng Trà Vinh được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá chỉ số PGI là tỉnh xếp hạng thứ nhất. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 GRDP đạt 3,45%; Để được kết quả trên, Trà Vinh định hướng:1/Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn GAP gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường; chăn nuôi từng bước chuyển đổi theo hướng chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học; Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh và bán thâm canh; nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng, trồng lúa; 2/Phát triển công nghiệp chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng quy trình sản xuất sạch hơn; sản xuất và phân phối điện đang tập trung vào lĩnh vực điện năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời.
Phát triển xanh của khu vực tư nhân là cách tiếp cận dựa vào thị trường, trong đó các yếu tố cạnh tranh được định hình lại. Cụ thể là nâng cao các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu cần thiết để tham gia và cạnh tranh trên thị trường; tăng cường các ưu đãi và hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh thực sự mang lại lợi ích ròng cho môi trường tự nhiên-
Trên thế giới, xu hướng chung đang là phát triển xanh hơn. Chung tay bảo vệ môi trường là vấn đề toàn cầu, là trách nhiệm của tất cả các quốc gia, doanh nghiệp, người dân. Phát triển xanh được xem như giá trị cốt lõi trong quá trình đầu tư phát triển.
Nhưng Việt Nam khác. Việt Nam là khác biệt.
Trà Vinh quá thực thà đang đi ngược “xu thế triệt hạ xanh” của cả nước?
Và TPHCM còn thực thà hơn khi Ủy ban đang ráo riết thực hiện 4 giải pháp thúc đẩy chương trình kinh tế xanh, tăng trưởng xanh (chứ không chỉ có ngồi biên thư nhận thư của Bô Kế hoạch-Đầu tư nhé).
Kết thúc bài này, tôi xin mạo muội đưa ra một đề xuất.
Rằng hãy phân công các ngài ký những quyết định hủy diệt màu xanh của rừng, của đất đó ra sống ở đảo An Bang một năm.
Chỉ một năm là bọn họ hiểu “rưng rưng nước mắt “ là thế nào? Vì sao, không có nước ngot, không có đất trồng cây (toàn cát san hô) mà người ta phải sống chết trồng rau xanh, trồng cây xanh cho bằng được?
Đó là bản năng sinh tồn của con người.
Màu xanh. Rau xanh. Cây xanh. Sự sống. Nơi không có sự sống, người lính đảo vẫn sống và biến sa mạc san hô thành đảo xanh giữa muôn trùng sóng dữ, chung quanh chỉ có nước biển mặn chát.
(Có thể đọc lại bài “Xanh ơi, chú mày đáng yêu thế” ngày 4/5/2023)
Cám ơn An Bang. Cám ơn màu xanh.
Tôi có nghĩ đến tựa bài viết này. HOANG MANG XANH. TỘI TÌNH XANH. TUYỆT VỌNG XANH.
Không, đất nước này phải sống. Tất cả những ai có con nhỏ, hãy bắt đầu dạy chúng mỗi ngày. Yêu thiên nhiên là căm ghét những ai phá rừng, giết cây để nhà có nhiều gỗ.

Mỗi sáng sớm, đúng 5g, Thuyền trưởng nói trên loa chung của tàu: “Hết giờ nghỉ. Toàn đoàn báo thức. Báo thức toàn đoàn”. Đó, chàng đã “gọi em dậy mỗi ngày” như vậy.

Gỗ quí làm ghế và nội thất nhà hát quan họ. Truyền thống của hát quan họ sao lại cần tới nhà hát qui mô hoành tráng kín mít thế này?

Sau khi vượt qua một bãi rộng các bao cát xếp cạnh nhau làm thành lối lên đảo, tôi quá bất ngờ thấy 3 thau nước ngot trong veo dành cho khách rửa tay, trong khi lính phải tiết kiệm từng giọt nước ngọt

Ngay ở cửa ngõ vào đảo An Bang đã thấy nhà màng trồng rau (bên trong ngợp màu xanh và đã thấy các cây xanh cao lớn, chen chúc nhau thành từng mảng như rừng.

Cây xanh ở Ao Bà Om, tỉnh Trà Vinh

Nhóm bạn cùng phòng trong chuyến đi thăm Trường Sa được thành viên trong phòng là đạo diễn Nguyễn Tuyết Minh mời đi xem vở kịch ballet Kiều tại nhà hát TP, tối 15/5/2023. Đạo diễn ôm hoa, thuyền trưởng đứng giữa hàng.

Sáp nhập Lạc Dương vào Đà Lạt để TP Đà Lạt xanh hơn, và có TP mói Lạc Đà.

Cây xanh với các tán lá giao nhau làm thành mái nhà rộng lớn cho phòng họp lộ thiên trên đảo An Bang.
Trả lời