CHỌN NỀN KINH TẾ XANH. NHƯNG XANH LÁ HAY XANH LAM?

Ghi lại một “scene” hấp dẫn bất ngờ nhất của Lễ Công bố HVNCLC 2023

Hai câu hỏi, vì sao chọn đi theo hướng một nền Kinh tế xanh? Và nếu là xanh thì chọn xanh lá hay xanh lam? Câu hỏi được Trần Nguyên, người dẫn chuyện lâu năm của chương trình Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao đặt ra cho vị cố vấn gắn bó với chương trình trong liên tục 27 năm qua. Xin mượn nội dung mà phần mềm memobot ghi trung thực hai câu trả lời ngẫu hứng tức thì tại sân khấu Lễ Công Bố HVNCLC 2023 vừa qua (ngày 14/3) của chuyên gia Phạm Chi Lan.

1/Nhớ lại tất cả những gì đã diễn ra thì trong cảm nhận của cá nhân, tôi không thể nào quên cột mốc 1995, năm mà báo Sài Gòn Tiếp Thị ra đời rồi chương trình Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao hình thành ngay trong năm sau đó, 1996.

Tháng 7 năm 1995, chúng ta đạt được những dấu mốc vô cùng quan trọng của công cuộc mở cửa hội nhập với thế giới qua ba sự kiện lớn. Một là Việt Nam tham gia ASEAN, trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Thứ hai là chúng ta bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và ngay khi bình thường hóa thì hai bên cũng đã thỏa thuận với nhau là sẽ tiến hành đàm phán để tiến tới một hiệp định thương mại song phương giữa hai bên. Và thứ ba, chúng ta ký được Hiệp định khung đầu tiên với Liên minh Châu Âu về kinh tế, mở ra thị trường châu Âu với chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập CSV cho Việt Nam, tạo điều kiện cho Việt Nam có thể xuất khẩu được sang đó với mức thuế thấp được áp dụng với các nước đang phát triển.

Lúc đó, mọi cuộc trao đổi với các nước về việc hội nhập thì đều đến Phòng thương Mại Công nghiệp VN (VCCI) và tôi đang công tác ở đó. Tôi nhớ là những người phụ trách mảng này đều xôn xao với mối lo vô cùng lớn ở trong lòng là khi cơ hội thị trường bên ngoài mở ra liệu doanh nghiệp Việt Nam có nắm bắt được không, hay là trước hết. chỉ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ hưởng lợi từ các cơ hội đó.

Điều lo lắng quan trọng khác nữa là liệu trên thị trường Việt Nam khi Việt Nam mở cửa thì chúng ta có giữ nổi sân nhà hay không, hay là để sân nhà rơi hết vào tay nước ngoài.

Khi chúng tôi bàn tán, lo lắng vô cùng thì chính chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao xuất hiện, dấy lên rộng rãi trong xã hội, trao cho doanh nghiệp một công cụ quan trọng, một định hướng rõ ràng là: chúng ta có thể phát triển theo hướng bằng chất lượng mà thuyết phục người tiêu dùng chứ không phải chỉ bằng giá rẻ và từ con đường đó thì không những là Việt Nam có thể giữ được thị trường nội địa của mình và còn có thể tăng cường xuất khẩu được ra thế giới.

Tôi cũng nhớ lúc ấy cũng có một người của Liên minh châu Âu sang, có hỏi tôi về một sản phẩm mà tôi cũng rất tự hào nói là Việt Nam đang xuất khẩu rất mạnh ra bên ngoài. Họ hỏi thế thì bán ở trong thị trường nội địa có nhiều không?

Tôi bảo là rất tiếc là thị trường nội địa chưa nhiều.

Thế là họ bảo là người Việt Nam phải biết nghĩ như người Nhật ấy là những hàng tốt nhất thì bán cho nước mình và khi mà chinh phục được người tiêu dùng trong nước rồi thì chinh phục người tiêu dùng bên ngoài sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Cuộc chinh phục bằng chất lượng đã có những thành công từ buổi ban đầu đó. Nhưng tôi cũng thấy, thành công khác nữa còn ở chỗ là liên tục đổi mới, liên tục sáng tạo với các chương trình theo kịp được những nhu cầu mới xuất hiện trên thị trường, từ người tiêu dùng các nơi, kể cả trong nước cũng như bên ngoài, mà các cam kết quốc tế luôn đi kèm yêu cầu về chuẩn mực quốc tế.

Và trong suốt quá trình phát triển của chương trình, thực tế cho thấy một số doanh nghiệp tiên phong của hàng Việt Nam chất lượng cao đã có ý thức và đã thực sự bắt tay vào việc phát triển kinh tế xanh.

Tôi quan sát tôi thấy khoảng 10 năm trở lại đây thì đã có những doanh nghiệp bắt đầu làm kinh tế xanh rồi. Chính những doanh nghiệp có thể nói là gạo cội nhất của chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao cũng là những người đã tiên phong đi vào kinh tế xanh. Như Vinamilk, Vinamit …hầu hết những đơn vị mang tên Vina thân yêu của Việt Nam mình thì cũng đều đã có ý thức từ cách đây khoảng 10 năm. Nhìn những bước phát triển của Vinamilk, chúng ta thấy chuỗi các trang trại xanh của chị Mai Kiều Liên đã được phát triển hết nơi này đến nơi kia để tạo thành dòng sản phẩm xanh và trở thành một trong những doanh nghiệp có tên tuổi của ngành sữa trên thế giới.

Hay là Vinamit thì anh Nguyễn Lâm Viên cũng đã đầu tư và làm biết bao nhiêu việc để biến các sản phẩm nông sản của Việt Nam thành những sản phẩm xuất khẩu có thương hiệu hay phục vụ người tiêu dùng trong nước theo hướng xanh, sạch, hữu cơ.

Gần đây, chúng ta vui mừng thấy các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp đã cho ra thị trường các sản phẩm xanh hơn. Hình thành một lớp doanh nông trẻ khởi nghiệp trong nông nghiệp và đi theo hướng xanh.

Câu hỏi là chúng ta có những doanh nghiệp là xanh nhưng nhìn toàn nền kinh tế thì xanh đã đủ chưa? Phải chăng trong những năm vừa qua, trong khi mải mê chạy theo tăng trưởng, chạy theo phát triển thì nhiều khi không ta quan tâm đầy đủ đến môi trường và làm cho môi trường của nước ta bị hủy hoại đi nhiều quá.

Bây giờ cái giá để khôi phục môi trường đó lớn hơn rất nhiều so với những cái lợi ích chúng ta đã đạt được bằng việc phá hoại môi trường trong thời gian vừa qua. Bắt tay vào làm bây giờ là trễ nhưng mà cũng chưa phải là quá trễ và không thể không bắt tay vào làm.

Càng chậm trễ thì các thế hệ sau sẽ không thể tha thứ được cho các thế hệ ngày nay đâu.

Một mặt khác thì cũng mừng là người tiêu dùng Việt Nam càng ngày càng có ý thức hơn, nhất là trong tầng lớp trung lưu và thế hệ GenZ là những người quyết định xu hướng tiêu dùng cho tương lai thì họ đang rất ủng hộ cho hướng xanh mà rất nhiều cuộc điều tra đều đã được nhận được câu trả lời là họ sẵn sàng trả giá cao hơn để mua các sản phẩm xanh và sẵn sàng tham gia vào việc tẩy chay những sản phẩm nào mà gây tổn hại đến môi trường.

Thế thì cái xanh hiện nay nó trở thành áp lực đối với các doanh nghiệp là không xanh thì không được. Thực tế chứng minh rất rõ là những doanh nghiệp nào tăng trưởng xanh thì có khả năng cạnh tranh càng ngày càng tốt hơn trên thương trường, cho nên xanh nó cũng đang trở thành động lực cho các doanh nghiệp muốn tồn tại được, muốn cạnh tranh được trên thị trường thì chắc chắn phải xanh hóa.

Nguồn lực trên thị trường thì ngày càng có nhiều hơn. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các nhà khoa học, các nhà công nghệ đã đưa ra không biết bao nhiêu công cụ, sản phẩm ngày càng dễ tiếp cận hơn để thực hành cho các xu hướng xanh.

Chính phủ các nước, kể cả nước Việt Nam ta thì gần đây đã đưa ra rất nhiều chương trình, rất nhiều chính sách về phát triển xanh.

Như tại hội thảo cũng vừa diễn ra ở đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nói là làm sao để có doanh nghiệp xanh, có xã hội xanh, có nhà nước xanh cùng nhau bắt tay cùng nhau làm thì mới có được một nền kinh tế xanh của Việt Nam.

2/ Nền kinh tế xanh mà chúng ta nói đây là màu xanh lá, GREEN. Nhưng cũng có một định hướng khác là nền kinh tế Xanh Lam, BLUE. Vậy nói nền kinh tế Xanh là màu Xanh Green hay Blue?

Tôi nghĩ chúng ta chắc chắn là phải cần cả hai vì hai mô hình này rất gắn với nhau và nó tương tác với nhau. Nếu không có cái green, thì cứ như trong nông nghiệp hay công nghiệp, cứ mặc cho nạn phát thải nhà kính lung tung cả thì bầu trời xanh của chúng ta sẽ biến mất.

Nhưng khía cạnh Blue đối với Việt Nam cũng quan trọng hoàn toàn không kém. Bởi vì chúng ta có một bờ biển dài như vậy có cả một cái vùng biển lớn như vậy và đã có chủ trương từ rất lâu rồi về phát triển kinh tế biển nhưng chúng ta đã làm được bao nhiêu đâu. Tôi cũng đã nói với Bộ trưởng Lê Minh Hoan là màu BLUE đó cũng nằm trong lĩnh vực của Bộ Nông nghiệp, chính là lĩnh vực thủy sản, hải sản…

Và còn nhiều bộ, ngành khác liên quan nữa, du lịch cũng phải là rất xanh để mà bảo vệ môi trường chứ không thể để các resort phát triển rất nhiều ở ven biển mà bờ biển ngập rác thải và trở thành vấn nạn lớn

Thực tế là Việt Nam đang là một trong năm nước mà rác thải nhựa ném nhiều nhất xuống đại dương. Chính mình đang giết mình, đang hại mình chứ ai?

Cho nên xanh của Việt Nam phải là cả hai thứ màu xanh, màu xanh của cây cỏ, màu xanh lá cây và màu xanh da trời vậy.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: