…Không bàn về sách giáo khoa, lại bàn về xây dựng thương hiệu. Tôi nói với anh về bài cuối của loạt bài tôi viết sau chuyến “Đến với đảo Trường Sa” là bài số 6, đề xuất xây dựng các thương hiệu sản phẩm và dịch vụ Trường Sa. Hôm khởi hành chuyến đi, tôi đăng ảnh của anh, đại tá Lê Nam Sơn, cùng bạn nghề Tạ Bích Loan. Hôm đó anh dặn, bảo mật lộ trình chuyến đi nên tôi chỉ đăng cái ảnh.
Anh cũng là tác giả bài học về biển đảo trong sách giáo khoa tiếng Việt tập 2, chủ đề 32.
Sáng nay tôi hẹn gặp anh bàn về thương hiệu chung quanh thương hiệu gốc TRƯỜNG SA. Các dự án khá đa dạng, phong phú.
Cuối cùng, vẫn tác phong bộ đội, anh tiếp tục dặn, những gì mình bàn mà chưa làm thì vẫn…bảo mật nha chị.
Tôi cười. Và hỏi, nơi mình ngồi cà phê đây (Nhà Văn hóa Thiếu Nhi, quận 3) lại cũng có cây bàng vuông lớn sum suê, là một phần hồn của Trường Sa, tôi chụp ảnh khoe lên, có cần bảo mật không? Anh hiểu, cũng cười.
Nhiều thứ đã bàn xây dựng thương hiệu sáng nay cũng chiều ý anh là phải bảo mật nhưng có một ý kiến quá hay tôi đã nghe nhiều lần, thì mật gì nữa, là hãy xây dựng một nơi (chưa biết gọi là gì, một cái hub, một mô hình, một góc biển đảo Trường Sa) ngay trong thành phố, ví dụ ở Củ Chi, để các bạn trẻ và khách du lich đến trải nghiệm thật sống động cả không gian vật chất, sinh hoạt và tâm linh của Trường Sa, ngày và đêm, cảnh vật- con người, khi biển yên hay ngập sóng gió…. Ở đó, tôi tin nhiều người, trong đó có tôi, sẽ tình nguyện đến kể chuyện, ngày hay đêm, nắng hay mưa cũng đều sẵn sàng.
Nếu thăm nơi này về, bạn hát được bài “Trường Sa ca” trầm hùng, thôi thúc (chỉ vài câu, rất dễ nhớ) hay một bài hát thiếu nhi trong trẻo mà cứ nghe là thấy mềm lòng “Quê con ở Trường Sa” , thì đó cũng là một khoảnh khắc đáng trải qua trong đời.




Trả lời